Kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố tỉnh Hòa Bình năm 2022

Chiều 21/12, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022. Năm 2022, Hòa Bình đánh giá 26 sở, ban, ngành và 10 huyện thành phố trong tỉnh. Dưới đây, HHDN tỉnh Hòa Bình xin giới thiệu kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố năm 2022:

Với thang điểm tối đa là 100, điểm tổng hợp chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, và thứ hạng tương ứng của các huyện, thành phố được theo phân nhóm, gồm:

  • Nhóm “Tốt” là địa phương có điểm số từ 80,00 điểm trở lên, bao gồm: huyện Yên Thủy (85,54 điểm)
  • Nhóm “Khá” là những địa phương có điểm số từ 70,00 tới dưới 80,00, bao gồm 8 huyện, thành phố, gồm: Mai Châu, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc, TP. Hòa Bình.
  • Nhóm “Trung Bình Khá” là địa phương có điểm số từ 60,00 tới 70,00, bao gồm huyện Cao Phong (69,19 điểm).

DDCI cấp huyện Hòa Bình năm 2022 phản ánh các khía cạnh quản lý kinh tế của các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong đó DDCI cấp huyện phản ánh qua 09 chỉ số thành phần bao gồm: 1. Gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép; 2. Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng; 3.Chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa; 4.Tính năng động, 5. Chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật ; 6.Chi phí không chính thức ; 7.Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh ; 8. Hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và ANTT và 9.Tiếp cận đất đai.

Trung bình toàn tỉnh, chỉ số thành phần về chi phí không chính thức đạt điểm số cao nhất với mức điểm trung bình là 8,1 điểm (tăng so với điểm số 7,94 của năm trước đó). Điểm số chỉ số thành phần thấp nhất liên quan đến chi phí gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép (6,99 điểm).

  1. Kết quả đánh giá Chỉ số: Gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép của các huyện, thành phố năm 2022

 

Gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép[1] của các huyện, thành phố tỉnh Hòa Bình giảm điểm đáng kể so với năm 2021. Nếu như trước đó, chỉ số này đạt 7,6 điểm năm 2021 thì đến năm 2022 chỉ còn 6,99 điểm. Đây cũng là chỉ số duy nhất thuộc nhóm trung bình khá khi xem xét DDCI cấp huyện Hòa Bình.

Theo địa phương, Yên Thủy ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng về chỉ số gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép (7,61 điểm). Lương Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu cũng là các địa phương có điểm số gia nhập thị trường ở mức khá. Xét trung bình chung toàn tỉnh, 6/10 huyện,thành phố có điểm số mức trung bình khá (dưới 7 điểm). Đây là một thách thức không nhỏ trong quản lý điều hành, nhất là các vấn đề liên quan đến niềm tin gia nhập thị trường. Cho thấy việc tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động tại các địa phương còn chưa được đánh giá cao.

Phân tích sâu các chỉ tiêu thành phần liên quan đến gia nhập thị trường, kết quả cho thấy tất cả các chỉ tiêu liên quan đều giảm điểm. Trong đó, điểm số giảm đáng kể nhất là các chỉ tiêu về thời gian dành cho việc tìm hiểu thông tin về trình tự, thủ tục để đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chuyên ngành (lần đầu hoặc điều chỉnh) (giảm 1 điểm); Số lần phải đi lại để nhận được giấy đăng ký kinh doanh/ giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng kí kinh doanh tại huyện/thành phố (giảm 0,71 điểm). Số liệu cho thấy vẫn còn 63,33% các HKD phải mất thời gian từ 3 ngày trở lên để tìm hiểu thủ tục đăng kí hộ kinh doanh qua các nguồn thông tin khác nhau.

  1. Kết quả đánh giá Chỉ số: Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng của các huyện, thành phố năm 2022

Tính minh bạch thông tin trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng không có nhiều thay đổi về điểm số so với năm trước đó (7,21 điểm). Theo địa phương, Yên Thủy được đánh giá cao nhất với 8,42 điểm. Mặc dù ở vị trí dẫn đầu, Yên Thủy vẫn giảm 0,68 điểm so với năm 2021. Điều đó cho thấy tín hiệu cải cách thiếu bền vững, có phần giảm nhẹ tại Yên Thủy. Để giữ được thứ hạng và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, Yên Thủy cần tập trung các chỉ tiêu liên quan đến đối xử công bằng (các chỉ tiêu đang giảm điểm tại huyện).

Ở chiều ngược lại, Cao Phong và Thành phố Hòa Bình là hai địa phương điểm số về minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng còn chưa cao, có nhiều dư địa để cải cách. Các địa phương còn lại nằm trong khoảng điểm từ 7-7,3 điểm (ngưỡng điểm khá), với sự chênh lệch điểm số không nhiều.

Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin được nghiên cứu qua hệ thống 03 chỉ tiêu. Trong đó, Mức độ thuận lợi, dễ dàng khi tiếp cận với các thông tin, tài liệu thuộc lĩnh vực quản lý của UBND huyện, thành phố đạt 7,08 điểm ; Mức độ cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu thuộc quản lý của UBND huyện, thành phố khi có đề nghị của cơ sở SXKD chỉ đạt 6,9 điểm; Đánh giá trang web cung cấp thông tin cho cơ sở SXKD của UBND huyện, thành phố, các cơ sở SXKD đánh giá mức điểm 6,18 điểm.

Một số vấn đề còn gặp phải tại cổng thông tin các huyện thành phố là: một số thông tin chưa cập nhật, còn tồn tại tình trạng đường dẫn quá hạn, không họạt động khiến cho các HKD khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin liên quan…

Cạnh tranh bình đẳng và đối xử công bằng cũng được DDCI nghiên cứu qua hệ thống các chỉ tiêu. Liên quan đến tiêu chí, các mối quan hệ để được cung cấp thông tin, tài liệu một cách dễ dàng, nhanh chóng, chỉ có 1,35% các ý kiến cho rằng hoàn toàn không cần đến các mối quan hệ. 28,7% HKD  đánh giá đôi khi vẫn cần đến các mối quan hệ mới có được thông tin cần thiết. Còn lại, 69,96% các ý kiến đánh giá vẫn cần các mối  quan hệ để có được thông tin. Đây là vấn đề chung, còn tồn tại ở tất cả các địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình.

Tiêu chí được xem xét tiếp theo là Mức độ công bằng, không có sự phân biệt đối xử trong tiếp cận thông tin, quy định pháp luật, chương trình hỗ trợ đạt 7,82 điểm và Mức độ công bằng, không có sự phân biệt đối xử trong thực hiện TTHC, giải quyết công việc, thanh tra, kiểm tra đạt 7,85 điểm. Các chỉ tiêu về đối xử công bằng có xu hướng tăng điểm so với năm trước đó, là một tín hiệu khả quan tại tỉnh.

  1. Kết quả đánh giá Chỉ số: Chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa của các huyện, thành phố năm 2022

Chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa có điểm số 7,9 điểm, tiệm cận mức điểm tốt, tăng 0,29 điểm so với năm liền trước. Theo đánh giá của các cơ sở sản xuất kinh doanh tại Hòa Bình, Yên Thủy đứng đầu trong danh sách cung cấp chất lượng dịch vụ công và bộ phận một của (8,62 điểm). Tiếp theo đó là Mai Châu, Kim Bôi và Lạc Sơn là các địa phương cũng nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng DN, HKD và HTX trên địa bàn trong nỗ lực cải cách chất lượng dịch vụ công.

Xét về tốc độ cải cách chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa, khảo sát cho thấy Tân Lạc là địa phương có tốc độ cải cách mạnh mẽ nhất trong năm vừa qua (tăng 1,48 điểm). Tiếp đó là Lương Sơn, Mai Châu, Lạc Thủy, Cao Phong, Lạc Sơn và Kim Bôi. Trong đó, mặc dù chưa mang lại một thay đổi rõ rệt, nhưng Lạc Thủy là một địa phương có nhiều thay đổi tích cực so với bảng xếp hạng năm 2021 trên nhiều lĩnh vực (tăng 0,53 điểm trong cải cách chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa).

Theo chỉ tiêu, Mức độ hài lòng về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận một cửa (7,76 điểm); Mức độ hiệu quả trong ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công, thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa (7,82 điểm) và Mức độ tích cực trong việc ứng dụng công nghệ và các xu thế của kinh tế chuyển đổi số, công nghệ 4.0. trong điều hành, quản lý (7,92 điểm) tiếp tục là các tiêu chí đang được thực hiện khá tốt tại Hòa Bình, tăng điểm so với năm trước đó. Đây cũng chính là các yếu tố thúc đấy tăng cường chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa tại tỉnh.

Các đánh giá về mức độ ứng xử chuyên nghiệp, đúng mực của cán bộ công chức viên chức cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nếu như năm 2021, đây là chỉ tiêu đạt điểm số thấp nhất, kéo theo điểm số của nhiều địa phương giảm. Trong năm 2022 chỉ tiêu này tăng 0,41 điểm. Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Thủy là các địa phương được ghi nhận có điểm số Mức độ ứng xử chuyên nghiệp, đúng mực của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc, TTHC cải thiện rõ rệt trong năm vừa qua.

Các hướng dẫn thực hiện việc, TTHC cũng được đánh giá tốt (tăng 0,32 điểm so với năm 2021). Nhìn chung, so với năm trước đó, không những các cơ sở SXKD tăng niềm tin về chất lượng hướng dẫn mà còn đánh giá cao sự thay đổi trong ứng xử, giải quyết công việc chuyên nghiệp, tích cực tại các địa phương. Đây là một dấu hiệu cải cách rất tích cực được ghi nhận tại Hòa Bình.

  1. Kết quả đánh giá Chỉ số:  Tính năng động và tiên phong của các huyện, thành phố năm 2022

Tính năng động và tiên phong có điểm số 7,42, tăng không đáng kể (0,09 điểm ) so với năm 2021. Yên Thủy tiếp tục đứng đầu trong bảng xếp hạng riêng CSTP tính năng động và tiên phong. Cao Phong và Thành phố Hòa Bình có phần giảm điểm số và có thứ hạng chưa tốt trong bảng xếp hạng.

Nhìn chung, hầu hết các chỉ tiêu liên quan đến Tính năng động và tiên phong của các địa phương tỉnh Hòa Bình đều tăng điểm, ngoại trừ các chỉ tiêu liên quan đến đối thoại và giải quyết các thắc mắc, khó khăn.

Chỉ tiêu tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện các chương trình, chủ trương của UBND tỉnh trong khuôn khổ pháp luật, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đạt 7,9 điểm trung bình toàn tỉnh. Bên cạnh những địa phương làm tốt, Đà Bắc, TP Hòa Bình và Yên Thủy điểm số có phần giảm nhẹ so với năm trước đó. Về Mức độ Chủ động tham mưu UBND tỉnh các đề xuất/giải pháp hỗ trợ các cơ sở SXKD nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (7,89 điểm), Tân Lạc và Lương Sơn tiếp tục là các địa phương nhận được nhiều đánh giá tích cực. Bên cạnh đó, năm 2022, Kim Bôi, Yên Thủy cũng nằm trong nhóm có điểm số tốt (trên 8 điểm).

Tiếp tục tìm hiểu về tính sáng tạo và mạnh dạn triển khai các chủ trương/quyết định và giải quyết các vấn đề phát sinh mới (7,77 điểm) và Mức độ hài lòng về các biện pháp giải quyết các khó khăn vướng mắc của UBND (7,47 điểm), tăng điểm so với năm trước đó.

Hai chỉ tiêu còn thấp điểm liên quan đến giải quyết khó khăn và hoạt động đối thoại. Cụ thể, Mức độ hài lòng về tính kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của UBND huyện, thành phố khi SXKD gặp phải khó khăn cũng chỉ đạt 6,76 điểm (giảm 0,61 điểm so với năm trước đó). Mức điểm giảm sâu ở các địa phương Yên Thủy, TP. Hòa Bình, Đà Bắc và Cao Phong. Hoạt động đối thoại tại Hòa Bình cũng chưa được thực hiện thường xuyên, vẫn còn tồn tại 25,29% chưa từng tham gia, hoặc nghe nói hoặc tham gia các hoạt động đối thoại. 13,27% cơ sở SXKD cho rằng hiếm khi hoạt động đối thoại được tổ chức. Một cách hiểu khác, trung bình toàn tỉnh ¼ cơ sở SXKD còn chưa được tham gia vào các hoạt động đối thoại, trên 1/8 số cơ sở SXKD đã tham gia nhưng rất hiếm khi. Đây không chỉ là vấn đề của riêng lẻ một huyện, thành phố nào trong tỉnh mà là vấn đề chung của hầu hết các địa phương tại Hòa Bình, cần tích cực tổ chức đối thoại và giải quyết khó khăn, thắc mắc của các cơ sở SXKD tại địa phương trong những năm tiếp theo.

  1. Kết quả đánh giá Chỉ số: Chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật của các huyện, thành phố

Trên phương diện DDCI cấp huyện, thành phố Chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật năm 2022 có điểm số 7,68 điểm, tăng 0,21 điểm, tăng điểm đáng kể so với năm trước đó. Nếu như năm 2021, chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật có thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng các CSTP thì đến năm 2022, CSTP này đã có vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng các CSTP.

So sánh giữa các địa phương, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn và Kim Bôi là các địa phương có điểm số tốt. Ở chiều ngược lại, Đà Bắc và Cao Phong cần nhiều cải thiện liên quan đến chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật. Mặc dù Yên Thủy có điểm số cao nhất (8,39) khi xem xét riêng CSTP này, song điểm số của Yên Thủy cũng có phần giảm nhẹ so với năm trước đó. Điều đó cho thấy Yên Thủy cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn để giữ vững thứ hạng trong bảng xếp hạng, trong khi tiên độ cải cách đang có dấu hiệu dần chậm lại, các địa phương khác

Kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy Thời gian giải quyết công việc, thực hiện TTHC của cơ quan cấp huyện, thành phố được cải thiện tốt hơn (tăng 0,23 điểm). Việc giảm đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, TTHC cũng đã được chú trọng ở nhiều địa phương, ngoại trừ Đà Bắc, TP. Hòa Bình và Yên Thủy điểm số giảm nhẹ. Việc phải xuất trình và nộp các giấy tờ ngoài quy định cũng đã có những thay đổi tích cực hơn so với năm trước đó (tăng 0,08 điểm).

Mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính công ích khi giải quyết công việc hoặc thực hiện TTHC với UBND huyện, thành phố vẫn là điểm nghẽn chính trong việc giảm bớt thời gian thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật. Quan sát kết quả trung bình chung toàn tỉnh, dễ dàng nhận thấy 4,94% HKD hoàn toàn không biết hoặc không tồn tại các dịch vụ công trực tuyến, 12,94% HKD biết mà không sử dụng (gấp 3 lần so với năm 2021); 37,12% chỉ thực hiện một số, 34,98 % thực hiện phần lớn các thủ tục chọn và 10,01% thực hiện tất cả các thủ tục.

Cũng theo khảo sát DDCI năm 2022, ngoại trừ Lạc Thủy, Mai Châu và Tân Lạc, các địa phương còn lại đều giảm điểm chỉ tiêu này. Điều thú vị là ba địa phương kể trên nhận được đánh giá còn kém tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin năm 2021, kết quả năm 2022 đã ghi nhận những nỗ lực cải thiện, gia tăng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích tại Lạc Thủy, Mai Châu và Tân Lạc. Đây là điểm sáng cần được tiếp tục thúc đẩy trong những năm tiếp theo.

Năm 2022, khảo sát tách riêng hoạt động thanh tra, kiểm tra, các cơ sở SXKD tại địa phương vẫn cho rằng, họ vẫn bị thanh ra, kiểm tra nhiều lần trong năm.

DDCI cũng tiếp tục tìm hiểu về chất lượng của hoạt động thanh tra, kiểm tra dưới lăng kính của các DN, HKD và HTX tại tỉnh.

  1. Kết quả đánh giá Chỉ số: Chi phí không chính thức của các huyện, thành phố năm 2022

Chi phí không chính thức được xem là lực cản trong nâng cao năng lực cạnh tranh ở nhiều địa phương. Năm 2022 ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể trong giảm thiểu chi phí không chính thức tại Hòa Bình. Chi phí không chính thức tăng từ 7,94 điểm năm 2021 lên đến 8,1 điểm năm 2022. Các địa phương có điểm số chi phí không chính thức tăng (tương đương thực tế hiện tượng phải chi trả các chi phí không chính thức giảm) là Kim Bôi, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu và Yên Thủy. Với các địa phương này, cộng đồng cơ sở SXKD cho rằng chi phí không chính thức đã có phần giảm nhẹ so với năm trước đó. Các chỉ dấu về chi phí không chính thức tăng lên còn tồn tại ở Cao Phong, Đà Bắc, Lạc Sơn, Tân Lạc. TP Hòa Bình chi phí không chính thức không có nhiều thay đổi.

Phân tích trên bình diện chung toàn tỉnh, vấn đề chi phí không chính thức dường như đang được cải thiện. Tuy nhiên, thực tế so sánh giữa các địa phương vẫn có sự chênh lệch đáng kể. Vấn đề này đã được chỉ ra trong phân tích DDCI 2021 song vẫn chưa có nhiều thay đổi. Bảng xếp hạng riêng về chi phí không chính thức cho thấy sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm: rất tốt, tốt, khá và trung bình khá. Các địa phương ở nhóm tốt cần tiếp tục chú trọng tới việc giảm các chi phí ngoài quy định pháp luật. Trong khi đó, những địa phương ở nhóm khá và đặc biệt các địa phương nhóm cuối trong bảng xếp hạng chi phí không chính thức cần quan tâm sâu sắc hơn nữa vấn đề này.

Năm 2021, 69,96% vẫn còn tồn tại chi phí không chính thức tại các địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình. Đến năm 2022, tỷ lệ này là 50,56%, giảm 19,4% so với năm trước đó. Đây là một con số khả quan trên hành trình nỗ lực cải thiện chi phí không chính thức tại Hòa Bình. Mặc dù vậy, trên một nửa số cơ sở SXKD đánh giá rằng vẫn có chi phí không chính thức tại địa phương ở các mức độ khác nhau (trong đó trên 17% cho rằng phổ biến và rất phổ biến) vẫn là một vấn đề cần tiếp tục quan tâm tại tỉnh. DDCI cũng phân tích sâu cụ thể mức độ phổ biến của chi phí không chính thức tại từng địa phương. Trong đó Cao Phong, Tp Hòa Bình, Lạc Sơn, Kim Bôi và Tân lạc là những địa phương có tỷ lệ chi phí không chính thức khá cao, vợt ngưỡng trung bình chung toàn tỉnh.

Tìm hiểu về tỷ lệ chi phí phải bỏ ra hàng năm để chi các khoản không chính thức cho cán bộ huyện/thành phố trung bình chiếm trong tổng thu nhập của cơ sở SXKD. Kết quả DDCI chỉ ra rằng, chi phí này cụ thể là: 0,46% HKD phải bỏ ra trên 20% tổng thu nhập, 0,93% HKD phải bỏ ra 10% – 20% tổng thu nhập cho chi phí không chính thức; 8,02% HKD phải bỏ ra 5%-10%; 23,84% HKD chi mức 1%-5% tổng thu nhập và 66,75% HKD chi cho chi phí không chính thức dưới 1% tổng thu nhập.

Đánh giá về xu thế tăng/giảm chung về chi phí không chính thức trong năm vừa qua, 1,48% số HKD cho rằng chi phí không chính thức có xu thế tăng lên nhiều và trở nên phổ biến hơn; 12,94% cho rằng chi phí không chính thức có xu thế tăng lên nhẹ; 20,89% Giữ nguyên mức chi trả chi phí này; 31,67% cho rằng chi phí không chính thức giảm nhẹ; và 33,03 % HKD kỳ vọng chi phí không chính thức giảm đáng kể và trở nên ít phổ biến hơn hoặc hoàn toàn không có chi phí không chính thức.

  1. Kết quả đánh giá Chỉ số: Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các huyện, thành phố năm 2022

Dưới góc độ DDCI cấp huyện, điểm số trung bình chung cho CSTP Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh là 7,12 điểm (giảm 0,35 điểm so với năm trước đó), tiếp tục nằm trong nhóm 3 CSTP có điểm số thấp nhất trong DDCI cấp huyện. Các cơ sở SXKD đang kì vọng nhiều hơn vào các chương trình, hỗ trợ của các cấp chính quyền. Đà Bắc, TP. Hòa Bình và Cao Phong là các địa phương còn thiếu các biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Theo tiêu chí, nhìn chung  mức độ công khai, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chương trình hỗ trợ đến các cơ sở SXKD tại hầu hết các địa phương còn thấp, đặc biệt là Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi và TP. Hòa Bình. Bước đầu để các HKD tiếp cận được các chương trình hỗ trợ còn chưa được thực thi tốt dẫn đến các chương trình có phần chậm trễ, chưa tiếp cận được đúng đối tượng. Trong khi đó, chất lượng các chương trình hỗ trợ chỉ đạt 6,95 điểm (giảm 0,46 điểm so với năm trước đó). Hầu hết các địa phương đều cho thấy chất lượng, hiệu quả các chương trình hỗ trợ chưa được đánh giá cao. Thủ tục “hậu đăng ký” vẫn là một gánh nặng. Bằng chứng là Thời gian cơ sở SXKD bỏ ra để hoàn thành tất cả các thủ tục cần thiết để chính thức hoạt động (giảm 1,34 điểm so với năm trước đó). Trong đó, tỷ lệ cơ sở SXKD phản ánh phải bỏ ra tổng thời gian trên 15 ngày để cơ sở SXKD của họ đi vào hoạt động còn cao ở Cao Phong (18,52%), Kim Bôi (15,20%), Lạc Sơn (16,13%) và Tân Lạc (11,43%).

Để hỗ trợ cho việc gia nhập thị trường một cách thuận lợi, các địa phương tỉnh Hòa Bình cũng đã thúc đẩy các ứng dụng công nghệ thông tin. Điểm số trung bình của chỉ tiêu này là 7,88 (năm 2022). Yên Thủy là đơn vị được cộng đồng cơ sở SXKD tại huyện đánh giá khá cao trong phát triển chính quyền điện tử, cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng kí kinh doanh (8,36 điểm). Đây cũng là một trong những chỉ tiêu giúp Yên Thủy tiếp tục có được điểm số tốt hơn các địa phương khác về gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép.

Theo tiêu chí, nhìn chung  mức độ công khai, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chương trình hỗ trợ đến các cơ sở SXKD tại hầu hết các địa phương còn thấp, đặc biệt là Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi và TP. Hòa Bình. Bước đầu để các HKD tiếp cận được các chương trình hỗ trợ còn chưa được thực thi tốt dẫn đến các chương trình có phần chậm trễ, chưa tiếp cận được đúng đối tượng. Trong khi đó, chất lượng các chương trình hỗ trợ chỉ đạt 6,95 điểm (giảm 0,46 điểm so với năm trước đó). Hầu hết các địa phương đều cho thấy chất lượng, hiệu quả các chương trình hỗ trợ Nhìn chung, các kiến nghị của HKD tập trung nhiều vào việc giảm thuế, giải phóng mặt bằng, đất đai và hỗ trợ các nguồn lực đầu vào (điện, nước), tiếp tục giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính. Hỗ trợ vay vốn cũng là vấn đề mà các HKD quan tâm. Bởi lẽ, hầu hết các HKD chỉ được vay vốn trên tư cách cá nhân (không có tư cách pháp nhân như các loại hình doanh nghiệp khác để vay vốn ưu đãi của ngân hàng), do đó cũng đề xuất các cấp chính quyền tham mưu, có biện pháp hỗ trợ, chương trình phù hợp với các HKD. Bên cạnh đó, HKD ở Lạc Thủy, Mai Châu cũng có các kiến nghị liên quan đến vấn đề xử lý rác thải kinh doanh, rác thải chăn nuôi và khu vực chợ, quan tâm đến việc phát triển bền vững và giảm khí thải.

Các HKD cũng cho rằng, hầu hết các địa phương đều thiếu các chương trình hỗ trợ riêng biệt cho hộ kinh doanh. Đây không chỉ là riêng vấn đề của Hòa Bình mà còn là vấn đề chung đang gặp phải tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Quan tâm đến các HKD, thành phần kinh tế đóng góp GRDP quan trọng cho các địa phương, tạo việc làm và cung cấp chuỗi cung ứng là việc là các tỉnh, thành phố nên chú trọng, có các tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời. Thực tế cho thấy, trải qua 3 năm chịu tác động của dịch bệnh, mô hình HKD thích ứng khá linh hoạt, dễ dàng đổi hình thức kinh doanh, vẫn tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế các huyện, thành phố. Song, chính sách hỗ trợ cho các HKD còn thiếu và còn “yếu”, chưa thực sự hiệu quả.

  1. Kết quả đánh giá Chỉ số: Hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và ANTT của các huyện, thành phố năm 2022

Hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và ANTT trung bình 7,6 điểm, không có nhiều thay đổi so với năm trước đó (giảm 0,04 điểm). Ngoại trừ Yên Thủy có điểm số thuộc nhóm tốt, các địa  phương còn lại đều ở mức điểm khá. Ở CSTP này không có địa phương nào thuộc nhóm điểm trung bình, trung bình khá.

Theo tiêu chí, Hiệu lực thực thi chính sách, văn bản pháp luật được UBND huyện, thành phố ban hành hoặc triển khaiHoạt động công khai, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản pháp luật của UBND huyện, thành phố lần lượt có điểm số là 7,06 điểm và 7,09 điểm, đều giảm điểm so với năm trước đó. Kết quả DDCI năm 2022 cho thấy các chỉ tiêu về tuyên truyền đều giảm điểm. Một khuyến nghị quan trọng dành cho các huyện, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, phổ biến các quy định. Điều này có mối liên hệ chặt chẽ đến CSTP tính minh bạch và công khai như đã phân tích trước đó, đang thấp điểm của Hòa Bình.

Tạo lập, công bố công khai các hình thức tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ sở SXKD (SĐT đường dây nóng, hòm thư điện tử,…) cũng chưa được thực hiện tốt. Điểm số trung bình chung của chỉ tiêu này là 7,46 điểm. Trong đó, 4,05% cơ sở SXKD cho rằng chưa từng tạo lập bất kì hình thức nào, 5,07% cho rằng đã tạo nhưng mang tính hình thức, không hoạt động và 17,68% cho rằng đã tạo lập, hoạt động nhưng chưa công khai. Theo địa phương, các địa phương được ghi nhận đã tạo lập và tương đối công khai gồm có Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi và Lạc Sơn. Đây cũng là các địa phương nhận được Mức độ hỗ trợ pháp lý cho các cơ sở SXKD khi có phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm” tại các địa phương cao hơn các địa phương còn lại. Đánh giá về chỉ tiêu Cơ sở SXKD không lo lắng về việc sẽ bị trù dập, trả thù sau khi thực hiện khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh các địa phương kể trên cũng có kết quả tốt hơn.

Năm 2022, DDCI Hòa Bình bổ sung chỉ tiêu kết quả xử lý sau khi khiếu nại, tố cáo, đạt 7,85 điểm (mức điểm khá). Yên Thủy, Lương Sơn và Kim Bôi là 3 địa phương dẫn đầu nhóm các huyện thành phố có kết quả xử lý khiếu nại, tốt cáo được đánh giá cao.

Tình hình ANTT vẫn được đảm bảo khá tốt tại các địa phương thuộc Hòa Bình. Ba tiêu chí liên quan đến ANTT bao gồm:  Cơ sở SXKD không lo lắng về việc sẽ bị trù dập, trả thù sau khi thực hiện khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh”; “Hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan tới an ninh, trật tự của các cơ sở SXKD” tại địa phương” và  “Cơ sở SXKD không phải chi trả tiền cho các nhóm đối tượng để được yên ổn SXKD; hoặc không mất nhiều chi phí cho dịch vụ bảo vệ, an ninh để bảo vệ tài sản” đạt lần lượt  7,77;  7,91 và 7,92 điểm. Lạc Thủy có sự cải thiện về  vấn đề ANTT so với năm trước đó. TP Hòa Bình và Đà Bắc có điểm số thấp hơn so với các địa phương còn lại về ANTT, vẫn còn tồn tại những lo lắng và các vấn đề về ANTT liên quan đến sản xuất kinh doanh tại các huyện, thành phố, cần sự quan tâm và theo dõi sát sao từ các cấp chính quyền.

  1. Kết quả đánh giá Chỉ số: Tiếp cận đất đai của các huyện, thành phố năm 2022

Tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh có điểm số 7,53 xét trung bình chung toàn tỉnh (tăng 0,05 điểm). Tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh tiếp tục là vấn đề còn nhiều khó khăn với các cơ sở SXKD tại tỉnh Hòa Bình.

Theo địa phương, Yên Thủy có điểm số khả quan hơn các địa phương còn lại. Mặc dù vậy, mức điểm này vẫn thấp hơn các lĩnh vực khác mà Yên Thủy được đánh giá. Cao Phong với 6,81 điểm cho thấy còn rất nhiều thách thức với quản lý đất đai tại địa phương. Cũng cần lưu ý rằng, tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh không bao gồm các đánh giá với văn phòng đất đai được đặt trụ sở tại các địa phương

Thực tế cho thấy, không ít HKD phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khởi động được dự án, chủ yếu do vướng các quy định về thủ tục đất đai. Thực trạng này cũng là một lực cản không nhỏ ảnh hưởng đến quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Do đó DDCI 2022 bổ sung các chỉ tiêu về thời gian giải quyết hồ sơ đất đai. Điểm số Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai thấp nhất (6,9 điểm).  Còn gần một nửa cơ sở  SXKD cho rằng thời gian giải quyết hồ sơ đất đai chưa kịp thời, nhanh chóng. Vẫn tồn tại 22,81% HKD gặp khó khăn, cản trở khi tiếp cận đất đai tại các địa phương. Rủi ro thu hồi đất đai ở tỷ lệ khá cao (11,66%). Tình trạng kéo dài thời gian thực hiện thủ tục về đất đai là vấn đề chính mà các HKD, DN còn gặp phải tại các địa phương.

Đức Phượng: HHDN Hòa Bình

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.