Điểm số và xếp hạng DDCI các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022
Chiều 21/12, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022. Năm 2022, Hòa Bình đánh giá 26 sở, ban, ngành và 10 huyện thành phố trong tỉnh. Dưới đây, HHDN tỉnh Hòa Bình xin giới thiệu kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành năm 2022:
Với thang điểm tối đa là 100, điểm tổng hợp Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ngành và thứ hạng tương ứng được trình bày tại Biểu đồ 4.1. Để dễ dàng so sánh điểm số tổng hợp của các sở, ban, ngành sẽ được tính trên thang điểm 100 điểm (quan sát rõ ràng hơn sự chênh lệch điểm số). Trong khi đó, điểm số của các chỉ tiêu và chỉ số thành phần so sánh trên thang điểm 10 điểm. Bảng xếp
hạng DDCI sở ban ngành có sự phân biệt rõ ràng hơn với 3 nhóm điểm: Tốt, Khá và Trung bình khá. Kết quả xếp hạng cho thấy, BQL các khu công nghiệp đứng đầu xếp hạng DDCI sở ban ngành 2022 với 80,04 điểm. Ở vị trí thứ hai là sở Bảo hiểm Xã hội tỉnh với 78,58 điểm. Vị trí thứ ba thuộc về sở sở Kế hoạch và Đầu tư với 77,94 điểm. Đứng cuối bảng là các Sở VHTT&DL với 73,64 điểm; Sở Tư pháp 73,50 điểm và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng 69,64 điểm.
Kết quả Chỉ số: Gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022
Gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép[1] có điểm số trung bình chung là 7,27 điểm. Đây là CSTP giảm cả điểm số và thứ hạng trong bảng xếp hạng chung. Thực trạng này tương tự khi đánh giá tại cấp huyện.
So sánh các sở ban ngành trong toàn tỉnh, để một doanh nghiệp hoặc dự án của doanh nghiệp đi vào hoạt động, tiếp cận điện năng, chi nhánh của các ngân hàng, các quỹ tín dụng, công tác bảo hiểm và đăng kí kinh doanh đang làm tốt hơn các lĩnh vực có liên quan khác. Bên cạnh đó, BQL khu công nghiệp, BQL ĐTXD giao thông cũng được đánh giá tốt hơn các sở ban ngành khác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các sở ban ngành kể trên cũng mới dừng lại ở khoảng điểm 7,5-7,9 điểm, chưa phải mức điểm tốt. Đâu đó vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn để các doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động. Bằng chứng thực tế khi đối chiếu với kết quả PCI gần nhất, để hoàn thành tất cả các thủ tục hành chính để đi vào hoạt động tại Hòa Bình vẫn đang “chậm” hơn nhiều địa phương khác trong cả nước.
Nguyên nhân hạn chế là do tổng thời gian mà DN cần bỏ ra để tìm hiểu thông tin về trình tự, thủ tục gia nhập thị trường còn dài. Bên cạnh đó, thời gian DN bỏ ra để hoàn thành tất cả các thủ tục cần thiết cũng là điểm nghẽn trong gia nhập thị trường. Hai chỉ tiêu này đạt lần lượt 6,14 và 6,49 điểm, thấp nhất trong các chỉ tiêu về gia nhập thị trường.
Tỷ lệ các doanh nghiệp phải bỏ ra trên 3 ngày để tìm hiểu về các thủ tục gia nhập thị trường là 53,26% (tăng lên 3,26% so với năm 2021). Doanh nghiệp dường như đang có xu hướng mất nhiều thời gian hơn để tìm hiểu các thủ tục.
Các doanh nghiệp ngoài cấp phép kinh doanh, để gia nhập thị trường còn phải liên quan đến rất nhiều giấy tờ, hồ sơ khác. Chẳng hạn thủ tục đất đai, tiếp cận điện năng, phòng cháy chữa cháy… Để một doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động, việc phải tiếp cận lần đầu vào thực hiện nhiều thủ tục hành chính là rất khó khăn và cần nhiều hướng dẫn cụ thể. Trên thực tế, không phải cán bộ hướng dẫn thủ tục nào tại các sở ban ngành cũng nắm vững đầy đủ các thông tin, cập nhật hoặc thái độ đủ nhiệt tình để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bước đầu khởi sự. Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là tổng thời gian các doanh nghiệp bỏ ra để gia nhập thị trường là còn dài. Thậm chí có 3,75% số doanh nghiệp trong khảo sát phải bỏ ra hơn 3 tháng để hoàn thiện thủ tục. 14,45% DN mất thời gian từ 1-3 tháng.
Đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng nhiều phương thức mới hiệu quả vào trình tự, thủ tục đăng ký gia nhập thị trường trung bình 7,82 điểm. Còn nhiều sở ban ngành ứng dụng công nghệ thông tin chưa hữ hiệu, chưa thực sự góp phần giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại và gia nhập thị trường đơn giản, nhanh chóng hơn. Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn trong hỗ trợ các doanh nghiệp khởi sự doanh nghiệp.
Kết quả Chỉ số: Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022
Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng tại có điểm số trung bình chung là 7,64 điểm, tiếp tục nằm trong nhóm ba chỉ số thành phần có điểm số thấp nhất trong bảng xếp hạng DDCI sở ban ngành. Điều đó cho thấy việc minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng của các sở ban ngành tại tỉnh Hòa Bình dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều điểm cẩn cải thiện.
Năm 2022, thiếu vắng các sở ban ngành trong nhóm tốt về tiếp cận thông tin. Thay vào đó, tất cả các sở ban ngành đều dựng lại ở nhóm điểm khá và trung bình khá. Mức độ minh bạch cũng không chênh lệch nhau nhiều giữa các sở ban ngành. Rõ ràng, để cộng đồng doanh nghiệp được tiếp cận thông tin một cách thuận lợi, dễ dàng, minh bạch, hiệu quả và công bằng hơn, không còn là nhiệm vụ của riêng một sở ban ngành nào mà cần sự nỗ lực chung, cải thiện từng phần của tất cả các sở ban ngành. Nếu không có hành động cụ thể, CSTP này tiếp tục sẽ là “nút thắt” trong quá trình bứt phá tại tỉnh, năng lực cạnh tranh tại tỉnh khó có thể có một vị trí và thứ hạng tốt hơn trong những năm tới.
Tính minh bạch được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá qua 4 chỉ tiêu: Mức độ thuận lợi khi tiếp cận với các thông tin, văn bản quy phạm pháp luật; TTHC; cơ chế chính sách mới (7,52 điểm); Tính đầy đủ và kịp thời trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ sở SXKD (7,41 điểm); Cơ sở SXKD không cần dùng mối quan hệ để có được thông tin, tài liệu một cách dễ dàng, nhanh chóng (7,5 điểm); Đánh giá trang web cung cấp thông tin cho cơ sở SXKD (7,35 điểm).
Chất lượng thông tin của các cơ sở sản xuất kinh doanh là vấn đề đáng quan tâm nhất tại các sở, ban ngành tỉnh Hòa Bình trong 2022. Điểm số cho tiêu chí này là thấp hơn các tiêu chí còn lại. Đáng quan tâm, gần ½ số sở ban ngành được đánh giá có điểm số về cung cấp thông tin trên cổng thông tin của sở ban ngành còn có mức điểm trung bình khá (dưới 7 điểm). Trong khi đó, cũng không tìm thấy sở ban ngành được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực chỉ tiêu này.
Nhằm đáp ứng mục tiêu Chương trình tổng thể cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công, minh bạch thông tin là một nhiệm vụ quan trọng, hỗ trợ cho mục tiêu tổng thể. Chính vì vậy, các sở ban ngành tại tỉnh Hòa Bình nên chú trọng nâng cao số lượng và chất lượng cung cấp thông tin cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp trên các cổng thông tin điện tử, theo hướng dễ nhìn, dễ tiếp cận và thường xuyên cập nhật thông tin.
Bên cạnh đó, các tiêu chí về công bằng cũng được đánh giá thông qua hai chỉ tiêu chính: Mức độ công bằng, không có sự phân biệt đối xử trong tiếp cận thông tin, quy định pháp luật, chương trình hỗ trợ; Mức độ công bằng, không có sự phân biệt đối xử trong thực hiện TTHC, giải quyết công việc, thanh tra, kiểm tra. Điểm số lần lượt của 2 chỉ tiêu này trung bình chung toàn tỉnh là 8,04 và 8,07 điểm, tăng điểm rõ rệt so với năm 2021.
Kết quả Chỉ số: Chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022
Chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa tiếp tục được đánh giá khá tốt tại các sở ban ngành thuộc tỉnh, với 8,17 điểm, xếp thứ 2 trong các CSTP cao điểm của Hòa Bình. Chất lượng dịch vụ công của các sở ban ngành tỉnh Hòa Bình có cải thiện mạnh mẽ trong năm vừa qua. Thông qua điểm số DDCI tăng từ 7,8 điểm năm 2021 lên đến 8,17 điểm năm 2022. Bên cạnh đó, số lượng các sở ban ngành có điểm số tăng cũng chiếm đa số.
Các sở ban ngành được đánh giá chất lượng dịch vụ công được chú trọng hơn so với các đơn vị khác năm 2021 thì đến năm 2022 vẫn tiếp tục giữ vững phong độ. Có thể kế đến sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, số lượng các sở ban ngành thuộc nhóm chất lượng dịch vụ công ở mức đánh giá “tốt” tăng lên từ 4 đơn vị lên đến 7 đơn vị. BQL khu coogn nghiệp là đơn vị dẫn đầu trong cải cách chất lượng dịch vụ công năm vừa qua, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, với mức tăng 1,08 điểm.
Tất cả các tiêu chí liên quan đến chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa đều tăng điểm và ở nhóm điểm tốt. Điều này phần nào cho thấy nỗ lực cải cách của các sở ban ngành trong năm vừa qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sâu sắc. Trong đó, Mức độ ứng xử chuyên nghiệp, đúng mực của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc, Mức độ rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện khi cán bộ, công chức, viên chức hướng dẫn thực hiện các công việc là các chỉ tiêu từng nhận nhiều phản ánh trái chiều trong khảo sát DDCI năm trước đó. Kết quả khảo sát 2022 đã cho thấy các chỉ tiêu trên có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Hai chỉ tiêu này đều tăng lần lượt 0,42 và 0.46 điểm, cũng là các chỉ tiêu liên quan chất lượng dịch vụ công tăng điểm cao nhất.
Mức độ hài lòng về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận một cửa và mức độ hiệu quả trong ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công, thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa cũng tăng lần lượt 0,25 và 0,31 điểm.
Nhìn chung, điểm số chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa của Hòa Bình năm 2022 mang lại một không khí cải cách tốt hơn trong tất cả các sở ban ngành. Dường như các đơn vị đã có những chương trình, hành động quan tâm hơn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ công, chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa. Vẫn còn một khoảng cách không nhỏ trên con đường cập nhật công nghệ, cải thiện chất lượng dịch vụ công trên nhiều phương diện để thúc đẩy Hòa Bình nâng cao năng lực cạnh tranh so với các tỉnh thành khác. Song, những nỗ lực của các sở ban ngành trong tỉnh năm vừa qua là đáng khích lệ.
Kết quả Chỉ số: Tính năng động các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022
7,85 điểm là điểm số trung bình cho tính năng động và trách nhiệm giải trình tại các sở ban ngành (tăng 0,23 điểm so với năm 2021). Năm 2022 chứng kiến sự cải thiện điểm số của một số sở ban ngành thuộc nhóm giữa bảng xếp hạng, trong khi đó nhiều sở ban ngành thuộc nhóm đầu bảng xếp hạng năm 2021 có sự giảm nhẹ điểm số tính năng động. Do đó, CSTP về tính năng động của các sở ban ngành không gọi tên bất kì đơn vị nào thuộc nhóm tốt. Các sở ban ngành đều thuộc nhóm điểm khá.
Trả lời cho câu hỏi về tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện các chương trình, chủ trương trong khuôn khổ pháp luật, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các cơ sở SXKD, gần 9,33% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin tưởng cao vào tính chủ động của các lãnh đạo sở, ngành. Trong khi đó, hơn 75,49% đánh giá ở mức tương đối và gần 14,42% cho rằng tính tích cực “trung bình” và 0,76% có thực hiện một số chương trình, sáng kiến nhưng rất hiếm khi. Các sáng kiến, chương trình vẫn tiếp tục được thực hiện tại sở ban ngành tỉnh Hòa Bình trong năm 2022. Mặc dù vậy, có thể thấy rằng, việc tiếp cận của các doanh nghiệp không có nhiều thay đổi, chủ yếu ở mức tương đối , hoặc trung bình.
Trong khi đó, nghiên cứu về việc tổ chức và tham gia các hoạt động đối thoại, 14,83% DN/HTX cho rằng chưa từng tham gia hoặc nghe nói; 2,37% cho rằng sở ban ngành liên quan không tổ chức hoạt động đối thoại, 15,63% DN/HTX bình luận các hoạt động đối thoại hiếm khi được tổ chức; 54,93% ý kiến cho rằng thi thoảng tổ chức và 12,23% thường xuyên tổ chức. So với năm 2021, hoạt động đối thoại đang được đánh giá kém tích cực và phổ biến hơn.
Kết quả Chỉ số: Chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022
CSTP về chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật là CSTP có điểm số cao thứ ba trong hệ thống các chỉ số cấu thành DDCI Sở ban ngành Hòa Bình, với điểm số 8,06 điểm, tăng so với điểm số 7,71 điểm năm 2021.
Mức độ hài lòng về thời gian giải quyết công việc, thực hiện TTHC tăng 0,33 điểm, chỉ tiêu không phải đi lại nhiều làn để thực hiện TTHC cũng tăng 0,43 điểm, và chỉ tiêu không phải xuất trình hoặc nộp các loại giấy tờ, hồ sơ ngoài quy định cũng tăng 0,42 điểm. Trong năm vừa qua, các sơ ban ngành cơ bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện TTHC, giải quyết công việc, để các cơ sở SXKD không phải đi lại nhiều lần.
Mặc dù vậy, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính công ích khi giải quyết công việc hoặc thực hiện TTHC chưa có nhiều chuyển biến (giảm 0,19 điểm so với năm trước đó). Phân tích cụ thể, kết quả cho thấy chiếm đa số (41,90%) các DN/HTX thực hiện phần lớn các thủ tục theo lựa chọn (trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính công ích). 14,37% các DN/HTX thực hiện toàn bộ các TTHC theo phương pháp trực tuyến hoặc dịch vụ công ích trong năm vừa quả (giảm nhẹ so với năm 2021).
Tương tự cấp huyện, năm 2022, DDCI phân tích cụ thể thanh tra, kiểm tra riêng biệt. Theo đó, trả lời cho băn khoăn về số lượng thanh tra, kiểm tra trong năm vừa rồi, các DN cho rằng 51,59% các DN không thanh tra trong năm vừa qua hoặc thanh tra 01 lần, 31,72% thanh tra 2 lần trong năm. Còn lại 16,69% tỷ lệ DN trong mẫu khảo sát vẫn tiếp từ 3 lần thanh tra trở lên trong năm 2022 (trong đó chủ yếu là 3 lần). Về kiểm tra, tỷ lệ các DN phải kiểm tra trên 3 lần chiếm 17,87%, còn lại, 27,08% các DN tiếp 2 lượt kiểm tra và 55,05% các DN chỉ tiếp 0-1 lượt kiểm tra trong năm vừa qua. Tỷ lệ kiểm tra trên 03 lần cao nhất tại các đơn vị, Phòng PPCC, sở Y tế, sở Giáo dục và Đào tạo là các đơn vị có tỷ lệ doanh nghiệp kiểm tra nhiều hơn các sở ban ngành khác.
Về chất lượng các cuộc thanh tra, điểm trung bình chung toàn tỉnh là 7,59 điểm, trong khi đánh giá về chất lượng các cuộc kiểm tra, doanh nghiệp dành mức điểm 7,52 điểm. Sở Tư pháp, Sở Y tế, BQLDA ĐTXD công trình dân dụng, BQLDA ĐTXD NN&PTNT là các đơn vị chất lượng kiểm tra còn bị đánh giá thấp hơn các sở ban ngành còn lại.
Kết quả Chỉ số: Chi phí không chính thức các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022
Chi phí không chính thức là chỉ số thành phần mang lại nhiều thay đổi tích cực cho điểm số DDCI sở ban ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022. CSTP này đạt 8,49 điểm, tăng 1,24 điểm so với năm trước đó. Ngoại trừ thanh tra tỉnh và BQL dự án ĐTXD công trình dân dụng giảm điểm, các sở ban ngành còn lại đều có cải thiện trong hành trình giảm chi phí không chính thức, bớt tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, vẫn tồn tại 28,46% DN/HTX vẫn phải chi trả chi phí không chính thức.Theo doanh thu, 7,28% các DN/HTX phải chi trả mức chi phí không chính thức chiếm trên 5% tổng thu nhập của DN/HTX. Chi phí không chính thức đã giảm đáng kể trong năm vừa qua theo đánh giá của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi thực hiện TTHC và sử dụng dịch vụ công tại tỉnh. Đây là tín hiệu tích cực đáng ghi nhận, song cần tiếp tục cải thiện trong những năm tới. Bởi lẽ, kinh nghiệm tại nhiều tỉnh thành khác trong cả nước cho thấy, vấn đề chi phí không chính thức không phải vấn đề chỉ mang tính thời điểm, dễ dàng để thay đổi nhưng khó khăn để đảm bảo tính bền vững. Do đó, các sở ban ngành nên tiếp tục có những biện pháp, chế tài giảm thiểu chi phí không chính thức trong lâu dài, mang lại thay đổi bền lâu tại tỉnh. Có như vậy, môi trường kinh doanh mới thực sự được cải thiện, thu hút đầu tư và mang lại lợi ích cho tỉnh.
Bảng 4.2: Hiện tượng chi trả các khoản chi phí không chính thức cho cán bộ sở, ban, ngành khi thực hiện thủ tục hành chính hay dịch vụ công đang diễn ra
Bảng 4.2: Hiện tượng chi trả các khoản chi phí không chính thức cho cán bộ sở, ban, ngành khi thực hiện thủ tục hành chính hay dịch vụ công đang diễn ra
Hiện tượng chi trả các khoản chi phí không chính thức cho cán bộ sở, ban, ngành khi thực hiện thủ tục hành chính hay dịch vụ công đang diễn ra: | Năm 2021 |
Năm 2022 |
1. Đã thành yêu cầu mặc định ngầm, không có không xong việc | 8,55 % | 2,59 % |
2. Tương đối phổ biến | 5,52 % | 10,80 % |
3. Có nhưng không tạo gánh nặng lớn | 26,21 % | 15,07 % |
4. Gần như không có chi phí không chính thức | 42,34 % | 23,62 % |
5. Hoàn toàn không có việc cơ sở SXKD chi trả chi phí không chính thức hay cán bộ thụ lý hồ sơ gợi ý chi trả chi phí không chính thức | 17,38 % | 47,36 % |
Nguồn: Khảo sát DDCI Hòa Bình, Economica Vietnam và Hiệp hội doanh nghiệp Hòa Bình (2022)
Khi phân tích về xu thế của chi phí không chính thức cũng cho thấy cách nhìn khả quan hơn của cộng đồng doanh nghiệp với môi trường kinh doanh, 45,8% doanh nghiệp/HTX cho rằng chi phí không chính thức sẽ giảm đáng kể và trở nên kém phổ biến hơn (gấp đôi so với năm trước), 24,97% cho rằng các chi phí này sẽ giảm, nhưng quy mô nhỏ, 21,05% cho rằng hiện tượng này không có gì thay đổi trong những năm tới, và 6,83% ý kiến cho rằng xu thế chi trả chi phí không chính thức tăng lên nhẹ, 1,12% DN/HTX trong mẫu khảo sát cho rằng xu thế chi trả chi phí không chính thức thậm chí còn tăng lên nhiều và phổ biến hơn nếu như không có các biện pháp cải thiện tích cực từ các sở ban ngành.
Các DN/HTX thông qua khảo sát DDCI 2022 đang bày tỏ niềm tin cao hơn vào các sở ban ngành trong việc giảm rào cản do chi phí không chính thức. Vì lẽ đó, nỗ lực của các sở ban ngành và chỉ đạo của UBND tỉnh càng trở nên cần thiết, để không phụ niềm tin của Doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư đang sản xuất kinh doanh tại tỉnh.
Kết quả Chỉ số: Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong mẫu khảo sát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các sở ban ngành năm 2022 chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN/HTX và có phần giảm nhẹ (0,44 điểm). BQL khu công nghiệp, sở Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng nhà nước là các đơn vị có sự tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong năm vừa qua. Các sở ban ngành còn lại, mặc dù có các chương trình hỗ trợ khác nhau, các DN/HTX vẫn chưa thực sự tiếp cận, hoặc hiệu quả các chương trình chưa đáp ứng được nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp dành cho các hỗ trợ của sở ban ngành thấp hơn so với năm trước đó.
Tất cả các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đều giảm điểm. Mức độ công khai, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chương trình hỗ trợ đến các cơ sở SXKD giảm 0,47 điểm là mức điểm giảm cao nhất. Trong đó, sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, sở Tư pháp và Điện lực Hòa Bình là các đơn vị cần thúc đẩy việc tuyên truyền, phổ biến các chương trình hỗ trợ nhiều hơn các đơn vị khác. Bởi lẽ, theo kết quả khảo sát, thông tin các chương trình hỗ trợ từ các các sở ban ngành kể trên với các DN/HTX/HKD liên quan là rất ít, thậm chí hầu như không có trong gia đoạn vừa qua. Không thiếu các minh chứng về việc các sở ban ngành có thiết kế chương trình tốt, nội dung tốt nhưng không tiếp cận, thu hút được các doanh nghiệp tham gia, bước tiếp cận ban đầu (tuyên truyền, thông tin, phổ biến) cũng là một trong những nguyên nhân trở thành rào cản. Do đó, các sở ban ngành, nhất là các đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng về mức độ tuyên truyền cần lưu ý để đạt hiệu quả tốt hơn.
Số lượng các chương trình hỗ trợ cũng chưa được đánh giá cao, với mức điểm trung bình chung 7,24. Trong khi đó, đáng quan tâm là hiệu quả thực hiện của các chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh chỉ đạt trung bình chung 5,91 điểm. Chỉ tiêu này cũng đã được nhìn nhận và phân tích sâu sắc trong DDCI năm 2021, nhưng chưa được quan tâm đầy đủ, và tiếp tục trở thành một chỉ tiêu thấp điểm trong năm 2022. Trong khi số lượng các chương trình hỗ trợ còn chưa nhiều, hiệu quả và chất lượng các chương trình còn thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp. DDCI cũng mở rộng phân tích, lắng nghe ý kiến góp ý trực tiếp của các DN/HTX, để hỗ trợ các sở ban ngành có các cải cách, chương trình phù hợp hơn với yêu cầu của DN/HTX.
Kết quả Chỉ số: Hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình năm 2022
Hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý tại các sở ban ngành Hòa Bình được thực hiện khá tốt với mức điểm trung bình chung là 7,86 điểm (tăng 0,13 điểm so với năm trước đó). Điểm số chiếm đa số là các điểm số tốt và khá.
Mức độ hỗ trợ pháp lý cho các cơ sở SXKD khi có phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm” với 8,03 điểm là chỉ tiêu đạt điểm số cao nhất. Bảo hiểm xã hội, sở Khoa học và Công nghệ, sở Thông tin và Truyền thông và BQL Khu công nghiệp là các sở ban ngành được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong việc hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp liên quan.
Các hình thức tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ sở SXKD được tạo lập và công khai (đường dây nóng, hòm thư…) tiếp tục là nội dung khảo sát quan tâm. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, 2,21% ý kiến cho rằng các sở ban ngành chưa từng tạo lập bất kỳ hình thức nào; 3,31% ý kiến đánh giá các hình thức khiếu nại đã được tạo dựng, nhưng chưa hoạt động; 16,91% nhận xét các hình thức này đã hoạt động, nhưng chưa công khai; 61,99% đánh giá đã hoạt động và tương đối công khai; 15,25% ghi nhận các hình thức tiếp nhận tố cáo rất công khai và phản hồi nhanh. Các hình thức khiếu nại tố cáo đã tăng cường tính công khai hơn năm 2021, song tốc độ phản hồi có xu hướng chậm hơn so với năm trước đó, theo phản hồi của các DN/HTX.
Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo có sự chênh lệch giữa các sở ban ngành. Có một tương quan thuận thú vị giữa mức độ hỗ trợ pháp lý và hiệu quả giải quyết khiếu nại, tốt cáo. Cụ thể, các sở ban ngành có mức độ hỗ trợ pháp lý tốt hơn thường được đánh giá kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng tốt hơn các đơn vị còn lại. Ở chiều ngược lại, BQL dự án ĐTXD công trình dân dụng, BQL dự án ĐTXD giao thông, BQL dự án ĐTXD NN&PTNT và sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là các sở ban ngành có chỉ tiêu kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp điểm so với các đơn vị còn lại.
Đức Phượng – HHDN Hòa Bình