Hòa Bình: Nhìn lại kết quả áp dụng Bộ chỉ số DDCI năm 2021
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành (DDCI) là một chỉ số tổng hợp sử dụng để khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh (HKD) về các khía cạnh khác nhau trong năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của 10 huyện, thành phố và 26 sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Áp dụng DDCI nhằm đánh giá năng lực của chính quyền cấp huyện, cấp sở trong điều hành kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh tại địa phương. Từ đó, nghiên cứu các giải pháp giúp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của các lĩnh vực được khảo sát.
Với ý nghĩa, tầm quan trọng đó, UBND tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số DDCI áp dụng thử nghiệm trong năm 2021; giao Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh phối hợp Sở KH&ĐT cùng các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
DDCI cấp huyện gồm 9 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép; tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng; chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa; tính năng động; chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) và tuân thủ pháp luật; chi phí không chính thức; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh (SX-KD); hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và ANTT; tiếp cận đất đai. DDCI các sở, ban, ngành có 8 chỉ số thành phần (trừ chỉ số Tiếp cận đất đai).
Theo HHDN tỉnh Hòa Bình, DDCI được đơn vị tư vấn độc lập tiến hành khảo sát 1.000 DN, HTX, HKD; có 957 phiếu trả lời, trong đó 480 phiếu của các cơ sở SX-KD cấp huyện, 477 phiếu từ chủ DN, HTX. Ông Hà Trung Nguyên, Phó Chủ tịch HHDN tỉnh cho biết: Quá trình xây dựng, triển khai Bộ chỉ số DDCI nhận được sự đồng tình và quyết tâm cải cách hành chính (CCHC) cao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng UBND tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, coi đây là nhân tố thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các huyện, thành phố, sở, ngành trong tỉnh. Từ đó, thúc đẩy năng lực cạnh tranh chung của toàn tỉnh.
Năm 2021, khảo sát tình hình và triển vọng kinh doanh nhìn từ DDCI cấp huyện cho thấy, có 67,21% hộ kinh doanh cho rằng chất lượng quản lý, điều hành tại địa phương liên quan đến SX-KD đã tăng lên. Tuy vậy, đây được đánh giá là con số trung bình khá, cần nhiều dư địa để cải cách tại tỉnh. Trong số 67,21% ý kiến, có đến 41,9% cho rằng các cải thiện có nhưng còn chậm, độ trễ chính sách lớn; 24,95% hộ kinh doanh cho rằng chính quyền địa phương không có cải thiện gì nhiều trong những năm qua; 7,84% ý kiến cho rằng môi trường kinh doanh có dấu hiệu xấu đi chút ít.
Về tình hình và triển vọng kinh doanh nhìn từ DDCI các sở, ngành, kết quả khảo sát phản ánh: Trên một nửa số DN/HTX trong mẫu khảo sát là kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, chỉ có 3,8% DN/HTX thực sự lãi như mong muốn; còn lại là lãi thấp, chút ít. Tỷ lệ DN/HTX hòa vốn 19,41% và có đến 29,95% DN/HTX phản ánh làm ăn thua lỗ trong năm vừa qua. Triển vọng kinh doanh của các DN/HTX cũng được ghi nhận; trong đó, 5,46% DN/HTX có dự định tăng quy mô, 19,96% tăng quy mô nhưng không đáng kể. Chiếm phần lớn vẫn là các DN/HTX ổn định với quy mô sản xuất hiện tại; 9,24% DN/HTX có dự định giảm quy mô hoặc tạm thời dừng sản xuất.
Cũng qua báo cáo Chỉ số DDCI áp dụng thử nghiệm năm 2021, với thang điểm 100, về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp huyện, ở nhóm “tốt” chỉ có huyện Yên Thủy với 89 điểm; nhóm “khá” 8 địa phương gồm: Đà Bắc, TP Hòa Bình, Mai Châu, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn, Tân Lạc, Cao Phong; riêng huyện Lạc Thủy xếp cuối bảng, ở nhóm “trung bình khá” với 67,83 điểm.
Trung bình toàn tỉnh, về chỉ số thành phần chi phí không chính thức đạt điểm số cao nhất với trung bình 7,94 điểm. Điểm chỉ số thành phần thấp nhất liên quan đến minh bạch thông tin và đối xử công bằng với 7,26 điểm, đây cũng là cụm vấn đề mà tỉnh nỗ lực cải thiện trong nhiều năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, DN, HTX, HKD đánh giá, thời gian thực hiện công việc, TTHC và tuân thủ quy định pháp luật cũng là vấn đề còn nhiều tồn tại, bất cập, gây khó khăn cho đối tượng kinh doanh khi muốn giải quyết các công việc, TTHC. Đây là chỉ số thành phần cần nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và trên phương diện DDCI cấp huyện, thành phố, chỉ số này có điểm số và thứ hạng không cao.
Đối với năng lực cạnh tranh các sở, ngành, Sở KH&ĐT đứng đầu bảng xếp hạng DDCI với 79,39 điểm, tiếp đó là các sở TN&MT, NN&PTNT. 3 sở, ngành đứng cuối bảng xếp hạng là: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Sở KH&CN. Theo đánh giá của DN, HTX, hầu hết các sở, ban, ngành đã có biện pháp, thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công ở mức “khá”. Mặc dù vậy, không có sở, ban, ngành nào đạt được nhóm điểm tốt trong bảng xếp hạng.
Điều đáng nói, chi phí không chính thức là chỉ số thành phần có điểm số thấp nhất trong các chỉ số thành phần đánh giá tại sở, ban, ngành. Nếu như ở cấp địa phương, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại nhưng không tạo gánh nặng quá lớn cho các cơ sở SX-KD thì tại các sở, ban, ngành, DN/HTX bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn đến chi phí không chính thức. Ngoại trừ Sở GD&ĐT, các đơn vị còn lại đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chỉ số thành phần này. Chi phí không chính thức không phải vấn đề riêng lẻ của bất kỳ sở, ban, ngành nào mà là vấn đề chung cần được giải quyết. Ngay cả một số đơn vị có kết quả CCHC tốt, tính năng động và sáng tạo tăng lên, tính minh bạch cao hơn các sở, ban, ngành khác, song chi phí không chính thức vẫn còn cao, đã kéo giảm thứ hạng chung của đơn vị.
Có thể khẳng định, là hoạt động thiết yếu để phản ánh tiếng nói của cộng đồng DN, nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đánh giá về hiệu quả, sự cần thiết thực hiện Bộ chỉ số DDCI, đại diện các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh chó rằng: Việc tỉnh triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố là hoạt động hết sức thiết thực. Mong muốn HHDN tỉnh cũng như các sở, ban, ngành sẽ có cái nhìn phản biện với nhau mang tính chất xây dựng. Đích chung là thu hút được các dự án đầu tư hiệu quả, tạo đột phá cho tỉnh. Trước mắt, mong UBND tỉnh sớm hoàn thiện, ban hành Bộ chỉ số mới và có đào tạo, huấn luyện cho lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên các sở, ngành, địa phương để hiểu sâu sắc tầm quan trọng áp dụng Bộ chỉ số DDCI nói chung và từng chỉ số thành phần nói riêng. Bởi xếp hạng DDCI cao hay thấp đều ảnh hưởng chung đến cả tỉnh và có quan hệ mật thiết đến Chỉ số PCI. Mong muốn, hàng tháng, lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN, nhà đầu tư thông qua buổi làm việc hay hình thức “Cafe doanh nhân”, “Trà doanh nhân”… với bầu không khí thân tình, cởi mở. Qua đó, DN, nhà đầu tư cảm nhận được sự thân thiện và sẽ không e ngại khi đề đạt những vấn đề trong quá trình thực hiện đầu tư, nhất là những việc còn vướng mắc.
Tại hội nghị đánh giá kết quả xếp hạng Chỉ số DDCI áp dụng thử nghiệm năm 2021 của UBND tỉnh Hòa Bình ngày 11/5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã yêu cầu Sở KH&ĐT và HHND tỉnh khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ chỉ số DDCI năm 2022 để chính thức triển khai thực hiện. Việc thực hiện tốt DDCI sẽ là lực đẩy quan trọng để cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh. Mục đích cuối cùng là đẩy mạnh phát triển KT-XH tỉnh và các huyện, thành phố.
Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình