Hòa Bình: Không để yếu kém kéo dài làm ảnh hưởng đến Chỉ số PCI của tỉnh

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp của Ban chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh (PCI) tỉnh Hòa Bình chhiều 5/5. Tham dự có Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện và TP Hòa Bình.

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chỉ số PCI của tỉnh Hòa Bình năm 2021 thuộc nhóm điều hành thấp với tổng số 57,16 điểm, thấp hơn 5,64 điểm so với năm 2020; đứng thứ 62 so với cả nước, giảm 18 bậc so với năm trước. Kết quả cải thiện môi trường cạnh tranh của tỉnh không đạt mục tiêu kế hoạch năm 2021 đề ra. Chỉ số PCI giảm sâu cả về điểm số và thứ hạng. Trong 10 chỉ số thành phần có 2 chỉ số cải thiện về điểm số là tính năng động và tiên phong của chính quyền tăng 0,33 điểm, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tăng 0,01 điểm, nhưng thứ hạng đều giảm so với năm 2020.

Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng không cải thiện điểm số, nhưng tăng 4 bậc và vẫn đứng ở cuối bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố. 7 chỉ số thành phần còn lại là: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và ANTT đều giảm điểm số và thứ hạng. Trong đó, riêng chỉ số Tiếp cận đất đai chỉ đạt 5,93 điểm, xếp thứ 62 cả nước, so với năm 2020 giảm 16 bậc; trong 14 chỉ tiêu nhỏ, có 7 chỉ tiêu thứ hạng từ 60 đến 63. Tính minh bạch là một trong những tỉnh sụt giảm lớn nhất cả về điểm số và thứ hạng; được 4,99 điểm (thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần), là năm thứ tư giảm điểm và giảm 28 bậc so với năm 2020.

Hạn chế, yếu kém của PCI năm 2021 được xác định chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, khi người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương chưa nhận diện được trách nhiệm của cơ quan đơn vị mình trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh cấp tỉnh. Việc rà soát, xây dựng, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) chưa thực chất; mối quan hệ giữa các ngành, địa phương trong liên thông giải quyết TTHC, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN chưa được thường xuyên, kịp thời, hiệu quả không cao. Một bộ phận CB, CC, VC thiếu tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc; trình độ, tính chuyên môn chưa cao, còn tình trạng kéo dài thời gian xử lý, cố tình gây khó khăn cho DN…

Nhiều ý kiến tại cuộc họp nhận định, đánh giá của các DN là tương đối chính xác. Các sở, ngành, địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận yếu kém, dám nhận trách nhiệm và phải đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục cho được hạn chế. Trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và trách nhiệm công vụ, văn hóa công sở của đội ngũ CB, CC; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh DN, bê trễ trong giải quyết hồ sơ TTHC. Nên quy định về mặt thời gian đối với việc giải quyết TTHC, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinhyêu cầu: Cần lưu ý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chấn chỉnh và thay ngay cán bộ, chuyên viên không có năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa các sở, ngành, huyện, thành phố. Nếu hai vấn đề này không giải quyết được triệt để thì rất khó có thể cải thiện được Chỉ số PCI của tỉnh.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo: Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào 10 chỉ số thành phần của PCI, liên quan đến trách nhiệm của sở, ngành, địa phương nào thì phải tự đánh giá xem nhận định của DN đúng hay sai và đánh giá cả công tác cán bộ, đưa ra được giải pháp khắc phục, trong 1 tháng phải hoàn thành công việc này. Ngoài ra, việc phải làm ngay là Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải quán triệt, triển khai tinh thần chỉ đạo của tỉnh đến cán bộ, công chức; cái gì làm được, chấn chỉnh được thì phải triển khai ngay. Phải tăng cường thanh tra trách nhiệm công vụ, thời gian giải quyết TTHC, nhất là về thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, tìm cho được việc chậm trễ xảy ra ở đâu để xử lý kịp thời. Hiệp hội DN tỉnh cần thường xuyên báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh những vấn đề nắm được để chỉ đạo giải quyết. Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách sở, ngành, địa phương nào thì có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát ở đó. Cần tăng cường tuyên truyền tinh thần chỉ đạo của tỉnh để thay đổi tư duy, cách làm, xem đây là cơ hội để cải cách. Người đứng đầu phải thay đổi được cán bộ của mình, không thể cứ để yếu kém kéo dài mãi.

Theo: Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.