Doanh nghiệp Hòa Bình: Áp dụng Bộ chỉ số DDCI – bước tiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Ngày 31/3/2021, UBND tỉnh ra Quyết định số 679/QĐ-UBND về ban hành Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành (Bộ chỉ số DDCI) tỉnh áp dụng thử nghiệm trong năm 2021. Đây được xem là động thái mạnh nhằm cải thiện mạnh mẽ năng lực điều hành kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nguồn lực phát triển KT-XH của tỉnh.

Chỉ số DDCI là chỉ số tổng hợp sử dụng để khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh (HKD) về các khía cạnh khác nhau trong năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Khảo sát DDCI trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư (NĐT), DN, HTX, HKD cá thể đang đầu tư, SX-KD trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành Bộ chỉ số áp dụng thử nghiệm trong năm 2021 và dự kiến đưa vào áp dụng từ năm 2022 nhằm góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra là: “tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm tăng tối thiểu 3 bậc”.
Theo đó, chỉ số DDCI tỉnh áp dụng thử nghiệm trong năm 2021, gồm 9 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép; tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng; chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa; tính năng động; chi phí thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật; chi phí không chính thức; hỗ trợ SX-KD; hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và ANTT; tiếp cận đất đai (áp dụng đối với cấp huyện).
Nhóm các sở, ngành áp dụng thử nghiệm Bộ chỉ số DDCI để đánh giá năng lực cạnh tranh trong năm 2021 gồm 26 cơ quan: Ban Quản lý (BQL) các khu công nghiệp; BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh; BQL đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh; các Sở: Công Thương, GD&ĐT, GTVT, KH&ĐT, KH&CN, LĐ-TB&XH, NN& PTNT, Tài chính, TN&MT, Tư pháp, TT&TT, VH-TT&DL, Xây dựng, Y tế; Thanh tra tỉnh; BHXH tỉnh; Công an tỉnh; Công ty Điện lực Hòa Bình; Cục Quản lý thị trường; Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh. Thứ hai là nhóm UBND các huyện, thành phố.
UBND tỉnh giao Hiệp hội DN tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát, tổ chức khảo sát, hoàn chỉnh phiếu đánh giá, báo cáo kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp huyện, các sở, ngành trong năm 2021 (thử nghiệm), làm cở sở để xem xét, rút kinh nghiệm và việc tiếp tục thực hiện trong thời gian tiếp theo. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Hiệp hội DN tỉnh đã tập trung trí lực xây dựng báo cáo về xây dựng phương pháp luận cho chỉ số DDCI tỉnh; nghiên cứu, ban hành Sổ tay hướng dẫn sử dụng phiếu khảo sát chỉ số DDCI; phiếu khảo sát cấp sở, ban, ngành và phiếu khảo sát cấp huyện. Hiệp hội đã tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Bộ chỉ số DDCI, qua đó giới thiệu đến các điều tra viên về Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành; hướng dẫn sử dụng phiếu khảo sát và công cụ nhập liệu; hướng dẫn cách sử dụng công cụ nhập liệu và khảo sát online.
Đánh giá về việc ban hành Bộ chỉ số DDCI, đồng chí Đinh Anh Tuấn,  Bí thư Huyện ủy Tân Lạc cho biết: Năm 2021 là năm đầu tổ chức thực hiện NQĐH lần thứ XIII của Đảng, NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và NQĐH Đảng bộ huyện Tân Lạc lần thứ XXIV, chính vì vậy, chúng tôi xem đây là năm bản lề tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2020 – 2025. Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, huyện xác định chỉ số năng lực cạnh tranh là vấn đề rất quan trọng, giúp huyện cải thiện môi trường đầu tư. Chính vì vậy, để thực hiện tốt chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành, huyện xác định những nhiệm vụ cần phải quan tâm là làm tốt hơn việc hoàn thiện thủ tục hành lang pháp lý, giúp các NĐT, DN và người dân có cơ hội tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng hơn các dịch vụ, thể chế do tỉnh và huyện ban hành. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ thường xuyên, trực tiếp làm việc với NĐT, DN và người dân. Ngoài ra, huyện sẽ quan tâm hoàn thiện hệ thống chuyển đổi số, nâng cao giao dịch điện tử giữa các cấp chính quyền với các NĐT, DN và người dân, giúp có cơ hội tiếp cận tốt nhất với hệ thống văn bản để giải quyết công việc thuận lợi, nhanh chóng.
Việc ban hành Bộ chỉ số DDCI kỳ vọng sẽ tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành. Từ đó tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến NĐT, DN, HTX, HKD; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, SX-KD trên các lĩnh vực. Đồng thời, tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để NĐT, DN, HTX, HKD tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các năm tiếp theo.

 

Nguồn: Báo Hòa Bình

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.