Đẩy mạnh thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, từ khi luật được thi hành, cùng với các nghị định hướng dẫn, nhận thức về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tại địa phương được nâng lên, công tác hỗ trợ DN được xây dựng bài bản. DN trong tỉnh ngày càng được quan tâm, có niềm tin về các chính sách, biện pháp hỗ trợ của tỉnh; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có bước phát triển.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh có 3.527 DN với tổng vốn đăng ký 31.486 tỷ đổng; có 636 chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động. Trong đó, DN  siêu nhỏ chiếm 39%; DN nhỏ chiếm 30,3%; DN vừa chiếm 30,7%. Loại hình DN là công ty TNHH chiếm phần lớn với 2.417 DN, chiếm 68,53%; công ty cổ phần chiếm 27,08%; DN tư nhân chiếm 3,54%; có 29 DN FDI, chiếm 0,8%; 1 công ty hợp danh (0,03%). DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,2% (1.312 DN); thương mại dịch vụ 1.294 DN, chiếm 36,7%; nông, lâm, thủy sản 242 DN, chiếm 6,9%; các lĩnh vực khác 561 DN, chiếm 19,3%. Đến năm 2020, tổng doanh thu của DNNVV ước đạt 49.598 tỷ đồng, tổng tài sản bình quân ước đạt 37.636 tỷ đồng/DN, vốn chủ sở hữu bình quân ước đạt 37.636 tỷ đồng/DN.
Triển khai thi hành luật, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích phát triển DN trên địa bàn. Công tác tuyên tuyền, phổ biến luật, nghị định hướng dẫn, văn bản, quy định về hỗ trợ DNNVV được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các sở, ngành, địa phương, Hiệp hội DN tỉnh và các Hội DN thường xuyên nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các DN, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ, xử lý, giúp DN duy trì sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp đã kịp thời có báo cáo đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động SX-KD của DN.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử; tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp kịp thời, đầy đủ những kiến nghị, đề nghị, những vướng mắc của DN; rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về DN, về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… có văn bản cụ thể đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành T.Ư hướng dẫn, bổ sung, chỉnh sửa. Nhiều sở, ngành đã thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC so với quy định.
Các hoạt động hỗ trợ đã được triển khai cụ thể trong năm 2020 như: hỗ trợ về truy cập thông tin DN trên hệ thống đăng ký DN quốc gia, tư vấn miễn phí về thủ tục hồ sơ đăng ký DN đối với 6 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, miễn phí đăng ký và bố cáo DN. Tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, chính sách về thuế: đã tuyên truyền 1.122 lượt tin, bài, ảnh trên phương tiện truyền thông (bằng 149,2% so với năm 2019), đăng tải chính sách thuế mới, gửi email đến 52.440 lượt người nộp thuế (bằng 216,2% so với năm 2019); giải đáp vướng mắc được 65 văn bản, tổ chức 5 lớp tập huấn, đối thoại với 304 lượt người nộp thuế tham dự; duy trì “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế” nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giải đáp ngay vướng mắc cho người nộp thuế… Quan tâm hỗ trợ DN về công nghệ như: hướng dẫn DN  áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất cơ bản; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh…; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; hướng dẫn, hỗ trợ DN xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở…
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện luật cũng gặp những vướng mắc, bất cập như: Việc xây dựng nghị quyết của HĐND gặp khó khăn do tỉnh không cân đối được ngân sách địa phương để bố trí kinh phí hỗ trợ cho các DNNVV, hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết; chất lượng sản phẩm của DNNVV không đồng đều, sản lượng chưa ổn định nên khó khăn trong việc hỗ trợ về tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của các DN còn hạn chế trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng pháp luật. Một số quy định pháp luật chưa thống nhất, hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư có việc còn chưa cụ thể, rõ ràng, kịp thời, gây khó khăn cho việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục, đề xuất, kiến nghị của DN; việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của T.Ư, tỉnh của DNNVV còn nhiều hạn chế…
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách hỗ trợ DNNVV, đưa luật đi vào cuộc sống, theo kiến nghị của Sở KH&ĐT, các bộ, ngành T.Ư tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung của Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; tăng cường hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách T.Ư cho các địa phương trong thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV; tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ địa phương về kỹ năng lập đề án, quản lý đề án hỗ trợ DNNVV cấp địa phương.

 

Nguồn: Báo Hòa Bình

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.