Nhận diện rào cản trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện chỉ số PCI Hòa Bình

Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thời gian qua rất rõ ràng, điều này trực tiếp phản ánh qua tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh trong quý I/2023 ước đạt 3,88%. Đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình. Nhận diện sớm và kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ, thiết thực là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh.

Công nhân Công ty TNHH Cap Global (KCN Lương Sơn) gia công sản phẩm gạt mưa xe ô tô cung cấp cho thị trường.
Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh đánh giá vẫn còn một số hạn chế, yếu kém liên quan đến xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh, đó là công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ DN giữa các cấp, ngành chưa tốt. Một số cán bộ còn lợi dụng vị trí việc làm gây phiền hà, chưa linh hoạt trong công tác hỗ trợ người dân, DN, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư.
Ngoài ra, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai còn chậm dẫn đến nhiều DN lỡ cơ hội đầu tư. Công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, mất nhiều thời gian, đơn giá thuê đất trên địa bàn tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung. Còn nhiều dự án không triển khai, chậm triển khai hoặc triển khai không đúng cam kết, việc thu hồi các dự án này chưa quyết liệt, dứt điểm.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng của tỉnh còn yếu kém. Hạ tầng cụm công nghiệp hạn chế dẫn đến việc thu hút các dự án chậm. Quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thứ cấp tại các khu, cụm công nghiệp còn ít. Việc hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án của một số nơi chưa tích cực.
Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; triển khai các dịch vụ hỗ trợ DN của các cơ quan chức năng hiệu quả thấp. Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa đã thành lập nhưng chưa huy động được nguồn vồn điều lệ theo phương án đã được phê duyệt. Hoạt động SX-KD của các DN còn khó khăn, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN nhỏ và vừa, quy mô nhỏ lẻ, trình độ KH-KT hạn chế. Nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ và rất nhỏ, hiệu quả hoạt động thấp, mức tăng trưởng chậm, thiếu vốn lưu động…
Theo chủ trương của tỉnh, để hợp tác phát triển có hiệu quả với các DN, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện thành công các dự án, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng DN cần nỗ lực, quyết tâm, phối hợp thực hiện nhất quán quan điểm “Chính quyền đồng hành cùng DN” theo đúng tinh thần Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 31/8/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, UBND các huyện, thành phố sớm hoàn thành công tác lập, công bố và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, khẩn trương điều chỉnh, lập các đồ án quy hoạch quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH của tỉnh, đảm bảo thống nhất để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý triển khai thực hiện dự án.
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược như: đường Hòa Lạc – Hòa Bình; đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình – Mộc Châu); đường kết nối thị trấn Lương Sơn – Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1)…
Tiếp tục tập trung phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; rà soát kế hoạch đầu tư công đến năm 2025, cắt giảm các dự án đầu tư công chưa cấp bách; ưu tiên nguồn lực cho các công trình, dự án trọng điểm, công trình cấp bách, phục vụ sự phát triển của tỉnh. Định kỳ tham mưu, chuẩn bị nội dung giúp Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt, đối thoại với các nhà đầu tư, DN, kịp thời giải quyết và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Chỉ đạo ngành Thuế thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về hỗ trợ giảm thuế cho DN; các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các chính sách cho vay, gói sản phẩm cho vay, dịch vụ cho khách hàng.
Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường đào tạo, luân chuyển đội ngũ cán bộ, nhất là vị trí liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển DN. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, liên thông thủ tục giữa các cơ quan quản lý và UBND tỉnh; tạo mối quan hệ giữa DN và chính quyền minh bạch, bình đẳng, lành mạnh. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chống đầu cơ, mua bán, chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án…

 

Nguồn: Báo Hòa Bình

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.