Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Ngày 6/3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, giúp các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả; tăng cường pháp chế trong hoạt động SX-KD, hoàn thiện cơ chế quản lý; bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, góp phần đưa các hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) và SX-KD đi vào trật tự, kỷ cương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập: Sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa thực sự chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên đã xảy ra tình trạng trong thanh tra, kiểm tra còn trùng lặp, chồng chéo về nội dung giữa các cơ quan, nhất là giữa cơ quan thanh tra hành chính, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm toán nhà nước và thanh tra các Bộ, ngành; một số doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra nhiều lần, trùng lặp, chồng chéo về nội dung giữa các cơ quan có chức năng hoặc tiến hành kiểm tra mà không có quyết định và biên bản kiểm tra với đối tượng kiểm tra; có trường hợp còn tùy tiện kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra không đúng quy định; tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, trục lợi, gây khó khăn, phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động SX-KD bình thường của doanh nghiệp vẫn còn xảy ra.

Để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng nêu trên trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động SX-KD, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm các nội dung sau:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố

a) Tập trung chỉ đạo, quán triệt sâu sắc cho các lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của sở, ngành, địa phương mình về mục đích, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi, phương thức, nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra và đạo đức công vụ của CBCC khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nói chung; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nói riêng.

b) Trực tiếp chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo đúng nội dung đã được phê duyệt, tránh trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Chỉ đạo Chánh Thanh tra cùng cấp phải làm tốt chức năng đầu mối, tổng hợp chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan thuộc quyền quản lý của sở, ngành và của huyện, thành phố; loại bỏ sự trùng lặp về nội dung, thời điểm, đối tượng thanh tra, kiểm tra ngay từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra để triển khai các cuộc thanh tra đã được phê duyệt; không lợi dụng, lạm dụng việc thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

c) Gửi các quyết định thanh tra, kiểm tra về Thanh tra tỉnh sau 05 ngày triển khai cuộc thanh tra, kiểm tra để theo dõi, rà soát, xử lý trùng lặp; khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra phải có văn bản gửi Thanh tra tỉnh xem xét xử lý và cho ý kiến trước khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về nội dung, quy trình, thời hạn tiến hành thanh tra, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động SX-KD bình thường của doanh nghiệp. Sau thanh tra, kiểm tra theo dõi, đôn đốc hướng dẫn các doanh nghiệp khắc phục, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước.
d) Không tiến hành thanh tra, kiểm tra quá một lần tại một doanh nghiệp trong một năm (trừ trường hợp thanh tra lại hoặc doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật và kiểm tra theo quy định việc thực hiện kết luận thanh tra). Khi kết thúc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải có biên bản, kết luận thanh tra, kiểm tra bằng văn bản về nội dung đã được thanh tra, kiểm tra. Không để xảy ra việc có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tại một doanh nghiệp trong một năm.

đ) Đối với các doanh nghiệp cần thanh tra, kiểm tra về nhiều lĩnh vực, nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị thì phải phối hợp để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh thành lập Đoàn liên ngành nhằm giảm bớt số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; tránh việc nhiều đoàn cùng vào thanh tra, kiểm tra tại một doanh nghiệp trong cùng một năm.

e) Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan QLNN có thẩm quyền giao. Cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất tại doanh nghiệp phải ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải báo cáo Thủ trưởng cùng cấp và Thanh tra tỉnh biết, chỉ đạo. Không tùy tiện mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm.

2. Công an tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp chỉ tiến hành theo chương trình, kế hoạch hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực QLNN về an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc có tin báo tố giác tội phạm liên quan đến doanh nghiệp và phải có quyết định thanh tra, kiểm tra bằng văn bản của người có thẩm quyền; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; đồng thời chịu trách nhiệm về việc kiểm tra chồng chéo, trùng lặp của lực lượng do mình trực tiếp phụ trách.

3. Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn (Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh…) có trách nhiệm phối hợp các hoạt động thanh tra, kiểm tra về tài chính, thuế, bảo hiểm xã hội; phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo ngay từ khi xây dựng chương trình, kế hoạch; gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm về Thanh tra tỉnh để phối hợp, rà soát xử lý trùng lặp.

4. Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện phổ biến, tuyên truyền cho các doanh nghiệp nắm rõ các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định pháp luật.

5. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm hoạt động SX-KD đúng pháp luật; tự giác thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp được sử dụng văn bản kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đã làm trong năm để đề nghị cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm tra rút những nội dung thanh tra, kiểm tra trùng lặp.

6. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan kiểm tra của Đảng, Thanh tra các Bộ, ngành Trung ương trong triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp.

7. Thanh tra tỉnh

a) Hướng dẫn các sở, ngành, UBND cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm; tăng cường hoạt động QLNN về công tác thanh tra; tổng hợp, đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra.

b) Chủ trì việc rà soát, thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong toàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra theo thẩm quyền; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo; chủ trì, tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn liên ngành trong trường hợp thanh tra, kiểm tra về nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung tại một doanh nghiệp.

c) Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị; tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

TH- Đức Phượng -VPHHDN

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.