Triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thông báo số 475/TB-VPCP ngày 18/11/2023 đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Thực hiện Thông báo số 475/TB-VPCP ngày 18/11/2023 của Văn Phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Để tổ chức triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ theo chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thông báo Kết luận nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 47-CT/TW, Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số 01/CT-TTg và Thông báo số 8854/TB-VPUBND ngày 11/10/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH). Trên cơ sở đó, chỉ đạo rà soát và hoàn thành đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC đã được UBND tỉnh giao.
Quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH; xác định PCCC và CNCH là một trong những động lực quan trọng để phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh; phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào công tác PCCC, đặc biệt là các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp thực sự bắt tay vào cuộc, coi nhiệm vụ PCCC và CNCH là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng.
Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương làm rõ các tồn tại, vi phạm quy định về an toàn PCCC, an toàn điện, xây dựng… để xử lý dứt điểm, triệt để các hạn chế đối với cơ sở thuộc đối tượng rà soát theo Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo hoàn thành tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn tỉnh, để đánh giá, xếp loại quy mô, tính chất nguy hiểm cháy của từng cơ sở. Qua đó phối hợp với chính quyền địa phương cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về PCCC. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm quy trình, quy định về hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC, thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực PCCC và CNCH trên tinh thần công khai, minh bạch, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Chủ động nghiên cứu, triển khai xây dựng, tổ chức học tập, thực tập các phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ xử lý tình huống cháy, nổ, tai nạn sự cố sát với thực tế, với phương châm huy động tối đa nguồn lực (con người, phương tiện) sẵn có tại mỗi địa phương, nhất là lực lượng, phương tiện tại chỗ để tham gia chữa cháy, đảm bảo chữa cháy kịp thời, hiệu quả trong “Thời điểm vàng” 05 phút kể từ khi vụ việc xảy ra.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở ngành chức năng như: Công an, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố, thống kê lại tổng kinh phí bố trí cho công tác PCCC và CNCH (đặc biệt là kinh phí bố trí cho lực lượng PCCC dân phòng, kinh phí mua sắm trang thiết bị phương tiện cho lực lượng này). Trên cơ sở đó, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh có phương án phân bổ, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, không đủ nguồn kinh phí bố trí cho công tác PCCC và CNCH trên địa bàn. Tiếp tục hướng dẫn chi tiết các đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực và Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương rà soát tích hợp nội dung định hướng phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy toàn quốc theo Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vào quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan để tham mưu, cân đối nguồn vốn đầu tư công đảm bảo cho công tác PCCC và CNCH theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan. Nghiên cứu đề xuất đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong công tác đầu tư, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng PCCC; hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, khuyến khích các hình thức xã hội hóa, đầu tư và chuyển giao công nghệ về PCCC và CNCH.
Sở Xây dựng chủ trì phối hợp UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát các cơ sở/công trình đã xây dựng sai phép, không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang lưới điện,…đặc biệt các công trình vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn PCCC; trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án, lộ trình xử lý dứt điểm đối với các công trình này. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý hệ thống cấp nước chữa cháy trong các dự án đầu tư xây dựng thuộc khu vực đô thị, khu dân cư và cụm công nghiệp; thực hiện nghiêm công tác kiểm tra nghiệm thu đối với các công trình hạ tầng khu đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp trước khi đưa vào hoạt động thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý; tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các khu vực đô thị, khu dân cư và cụm công nghiệp thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý đưa vào hoạt động nhưng chưa được cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC theo quy định.
Sở Công thương chủ động nghiên cứu, rà soát nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về an toàn trong sử dụng điện sau công tơ tại các cơ sở, hộ gia đình, để đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực. Trong thời gian chưa ban hành Luật này, trước mắt cần nghiên cứu, tham mưu triển khai nội dung cơ chế quản lý, giám sát việc lắp đặt hệ thống, thiết bị điện phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ có nguyên nhân do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện. Chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra chặt chẽ các điều kiện an toàn sử dụng lưới điện trước khi ký hợp đồng cấp điện cho các hộ sử dụng điện; chỉ đạo các đơn vị phân phối, bán lẻ điện trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền về an toàn trong sử dụng điện để đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương hoàn thành việc tổ chức rà soát, đề xuất kế hoạch di rời kho chứa, công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh loại hàng, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi khu dân cư, nơi tập trung đồng người bảo đảm khoảng cách an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát nạn (kỹ năng sinh tồn) khi xảy ra sự cố cháy cho học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học 2023 – 2024 theo Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu, yêu cầu về công tác PCCC tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, trọng tâm là: Rà soát, bổ sung đầy đủ 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ tham gia tổ liên gia an toàn PCCC. Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nắm được lợi ích, hiệu quả của mô hình an toàn PCCC để tự nguyện tham gia, trong đó cần kết hợp tập huấn, thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn khi ra mắt tổ liên gia mới xây dựng. Tiếp tục rà soát các tổ liên gia đã xây dựng nhưng chưa đáp ứng để điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu công tác PCCC. Vận động 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay, trong đó yêu cầu cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, có phương án hỗ trợ từ ngân sách địa phương, xã hội hóa việc trang bị phương bình chữa cháy cho các hộ gia đình khó khăn (đến 31/12/2023 hoàn thành 100% trên toàn tỉnh); 100% nhà ở từ 2 tầng trở lên có lối thoát nạn khẩn cấp qua lô gia, ban công, lối lên mái sang nhà liền kề… (hoàn thành trước 31/12/2023); hướng dẫn hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nghiên cứu tự trang bị phương tiện báo cháy tự động, chữa cháy tự động (hệ thống báo cháy tự động hoặc đầu báo cháy không dây, hệ thống chữa cháy tự động…)...Tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho người dân thông qua tập huấn tại trường học, cơ sở, lồng ghép trong kiểm tra, xây dựng mô hình an toàn PCCC, sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, quét mã QR Code, tin nhắn Zalo, SMS… (đến 31/12/2023 hoàn thành 100% hộ gia đình trên toàn tỉnh đều có người được tập huấn về PCCC và CNCH). Tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đôn đốc, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc trong khu vực sản xuất, kinh doanh, kho chứa bảo đảm yêu cầu về ngăn cháy lan, thoát nạn, nhất là việc thoát nạn từ các tầng phía trên ra ngoài nhà; quản lý chặt chẽ trong sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ; thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC; khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị. Xử phạt nghiêm 100% hành vi vi phạm về PCCC phát hiện trong quá trình kiểm tra theo quy định.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 215/2022/NĐ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng tại các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, qua đó chỉ đạo UBND cấp xã khẩn trương rà soát việc thực hiện chế độ chính sách và trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho lực lượng dân phòng theo quy định.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý, cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh nhất là đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt thiết kế về PCCC, trong đó chú trọng đối với các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở có tập trung đông người như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà ở cho thuê nhiều căn hộ, nhà cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư…Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở xây dựng, cải tạo không phép, sai phép xây dựng, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH; kiên quyết xử lý triệt để các công trình có sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng, đô thị và PCCC. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc xử lý này./.
Đức Phượng (TH)