Trên 120 học viên tham dự tập huấn về áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng
Ngày 23/02/2024 tại Hội Trung tâm thương mại AP Plaza Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức tập huấn áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng.
Toàn cảnh lớp tập huấn
Tham dự lớp tâp huấn có lãnh đạo HHDN, Hội Kiến trúc sư tỉnh cùng trên 120 học viên là lãnh đạo, chuyên viên các Phòng, ban chuyên môn một số, sở, ban, ngành của tỉnh; phòng Quản lý đô thị, KTHT, BQL dự án đầu tư xây dựng các huyện, thành phố; lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, tư vấn thiết kế, các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật các Khu, cụm công nghiệp; các chủ đầu tư dự án có cấu phần xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Lãnh đạo HHDN tỉnh Hòa Bình phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Các học viên tham gia lớp tập huấn đã được KTS. Nguyễn Phước Thiện – Chuyên gia BIM và ISO 19650 tại Việt Nam giới thiệu các nội dung cơ bản nhằm giúp các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trong và ngoài địa bàn tỉnh Hòa Bình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) được hệ thống, thông suốt và hiệu quả,
Theo KTS. Nguyễn Phước Thiện, đây là một trong những nhiệm vụ, giải giáp quan trọng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 179/QĐ-TTg ngày 16/02/2024 về Chiến lược phát triển ngành xây dựng đến năm 2030, định hướng đế năm 2045. Đó là: “Ứng dụng mạnh mẽ mô hình thông tin xây dựng (BIM) trong quản lý, thiết kế và thi công xây dựng công trình theo lộ trình đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ”
Theo đó, việc áp dụng BIM trong quá trình thiết kế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan QLNN về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng trong quá trình thi công xây dựng, nhằm hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng cũng như quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng nhằm phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng.
Đối với các cơ quan QLNN, việc sử dụng mô hình BIM là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ QLNN (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; quản lý xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu…). BIM là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho cả vòng đời của công trình, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, cho đến vận hành, bảo trì và tháo dỡ công trình. Toàn bộ thông tin và dữ liệu liên quan đến công trình trong toàn bộ vòng đời của nó được lưu trữ và khai thác thông qua một mô hình thông tin thống nhất và được liên kết với nhau. Bất kỳ sự thay đổi của thành phần nào trong mô hình cũng sẽ được tự động cập nhật cho toàn bộ hệ thống. Do đó, việc áp dụng BIM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi, hợp tác giữa các bên tham gia, tối ưu hóa việc thiết kế, thi công và quản lý công trình.
Đức Phượng – VPHHDN