Công tác phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp: Cần hóa giải tận gốc các điểm nghẽn
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) – Bộ Công an cho thấy, còn nhiều quy định pháp lý khiến gia tăng gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.
Top 4 khó khăn pháp lý của doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, thời gian qua Cục tập trung tháo gỡ khó khăn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật PCCC cho doanh nghiệp, và đến nay đã giải quyết được 10.000 hồ sơ chiếm 32% tổng các hồ sơ vướng mắc về PCCC.
Ông Đậu Anh Tuấn-Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về quy chuẩn PCCC, tuy nhiên, số doanh nghiệp gặp khó khăn về vấn đề này còn lớn. Khảo sát trong năm 2022 của VCCI cho thấy, PCCC đứng thứ 4 trong các khó khăn vướng mắc về pháp lý của doanh nghiệp. “Quy chuẩn tốt, đảm bảo hiệu quả PCCC, nhưng cũng phải phù hợp về hiệu quả kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Tuấn khuyến nghị.
Cụ thể, ông Lê Hữu Lâm – phụ trách công tác PCCC của Tập đoàn Vingroup cho biết, hiện các dự án cải tạo, cải tạo lại chưa có quy định, quy chuẩn thẩm định, nghiệm thu hệ thống PCCC nên mỗi địa phương lại có quy định khác nhau, dẫn tới thời gian nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng rất lâu, chi phí phức tạp.
Ông Nguyên Hồng Hải, Hiệp hội Đại lý môi giới Hàng hải Việt Nam cho biết, việc quy định về việc trang bị cơ giới với cảng biển loại 1 là 1 xe PCCC, cảng biển loại 2 là 2 xe PCCC với chi phí hàng chục tỷ đồng, chưa bao gồm phí duy tu vận hành bảo dưỡng, đội ngũ chuyên môn PCCC là chưa hợp lý, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp. Hay như việc lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler cho toàn bộ ở các kho hàng lớn là hợp lý, nhưng với hệ thống các kho hàng nhỏ trong mạng lưới, vốn đầu tư này rất cao, sẽ tăng gánh nặng chi phí.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, yêu cầu tại QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình có rất nhiều điểm bất cập. Như quy định cột, dầm thép nhà xưởng phải được bọc chống cháy bằng vật liệu rỗng như thạch cao. Tuy nhiên, hai loại này không đồng nhất về khả năng chịu lực, chỉ cần va đập vào kết cấu thép thì bột thạch cao chống cháy hay lớp vữa chống cháy sẽ bong ra, ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.
Hay như quy định về khoảng cách PCCC giữa các nhà và công trình. Theo ý kiến của doanh nghiệp, yêu cầu về khoảng cách là khá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả đầu tư. Trong khi việc không quy định lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà đối với nhà có bậc chịu lửa III, IV (khung thép) cũng khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc xác định cơ sở tính toán lượng nước chữa cháy; gia tăng chi phí do cần phải làm cho nhà có kết cấu bê tông cốt thép hoặc bọc bảo vệ các kết cấu thép như: cột thép, kèo thép, dầm thép bằng vật liệu chống cháy.
Đảm bảo hiệu quả PCCC, nhưng cũng phải phù hợp về hiệu quả kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư |
Tăng cường minh bạch và hoàn thiện pháp lý
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong việc truyền thông và triển khai chính sách PCCC. Ví như trong khi nhiều doanh nghiệp lo lắng về việc áp dụng hồi tố với các quy chuẩn mới theo Luật PCCC, hay các quy định mới trong công tác này tại diễn đàn thì Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, không có áp dụng hồi tố đối với các công trình đã xây dựng và đi vào hoạt động trước khi văn bản quy phạm pháp luật ban hành. Hay như Bộ Công an đã rất linh hoạt khi việc cho phép áp dụng các tiêu chuẩn PCCC tiên tiến với các dự án công trình lớn mà chưa có quy định trong pháp luật PCCC của Việt Nam như nhà kho, nhà công nghiệp, nhưng phải bổ sung tài liệu vào hồ sơ theo dõi. Thậm chí Bộ đã liệt kê ra 15 trường hợp dự án mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã triển khai tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để các doanh nghiệp trong nước có thể áp dụng. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp lại không biết điều này!
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong PCCC xuất phát từ chính doanh nghiệp, như việc các chủ đầu tư khi thiết kế xây dựng công trình không chú tâm đến công tác PCCC, ỷ lại vào nhà tư vấn. Tuy nhiên, các nhà tư vấn về PCCC hiện nay chủ yếu tư vấn về thiết kế giám sát thi công các thiết bị PCCC lắp đặt trong công trình, chứ không tư vấn về kết cấu, kiến trúc liên quan như kết cấu chịu lửa, hệ thống hút khói tự động, thang thoát hiểm… Điều này dẫn tới khi thẩm định, nhà đầu tư phải sửa đi sửa lại, mất nhiều thời gian.
Trước tình hình đó, hiện Bộ xây dựng đang xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 136 trình Chính phủ và dự kiến ban hành trong tháng 8 để tháo gỡ khó khăn về các tiêu chuẩn kỹ thuật PCCC. Khi Nghị định thông qua, Cục sẽ có tài liệu kỹ thuật hướng dẫn địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hơn 38.140 hồ sơ chưa xử lý hiện nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam, TS. Nguyễn Đỗ Tùng Cương cho rằng, việc sửa QCVN 06:2021/BXD, QCVN 03:2021/BCA mới chỉ là giải pháp “phần ngọn”. Để giải quyết những khó khăn trong công tác PCCC của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xử lý đồng bộ các văn bản pháp luật, trong đó có cả Luật PCCC, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, phân cấp phân quyền tối đa cho các đơn vị và các tỉnh thành giải quyết tổng thể và gốc vấn đề.
Nguồn: thoibaonganhang.vn