Lãi suất giảm, doanh nghiệp có dễ tiếp cận?

Các ngân hàng kỳ vọng thông qua việc lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và trái phiếu…

Trong bối cảnh khó khăn của toàn nền kinh tế, việc điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã tạo động lực to lớn cho các ngân hàng vượt qua khó khăn. Đồng thời, thể hiện chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, nhanh chóng phục hồi sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), tổng hợp ý kiến từ nhiều ngân hàng thương mại qua khảo sát, đánh giá do Vietnam Report thực hiện trong tháng 6/2023 cho thấy, các ngân hàng kỳ vọng thông qua việc lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và trái phiếu được triển khai, áp lực chi phí huy động của các ngân hàng sẽ giảm bớt, cầu tín dụng có thể tăng trở lại. Từ đó, kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Phản hồi từ các doanh nghiệp về sự thẩm thấu của chính sách vào thực tiễn đời sống, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Một thành viên Nghiên cứu thị trường AAA cho hay, việc tiếp cận nguồn tín dụng giá rẻ từ ngân hàng hiện rất khó khăn.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, trả mặt bằng, tinh gọn bộ máy nhân sự để tiết giảm chi phí. Khi không duy trì được đà tăng trưởng đồng nghĩa với việc hạn mức cho vay của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, thậm chí nhiều ngân hàng còn siết chặt hơn các điều kiện cấp tín dụng vì lo ngại nợ xấu.

Về lý thuyết thì lãi suất giảm đồng nghĩa với việc hoạt động cho vay sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Doanh nghiệp khó khăn mới cần sự tiếp sức của tín dụng ngân hàng, nhưng các ngân hàng cũng phải nhìn vào khả năng thu hồi nợ và tính khả thi của dự án vay vốn trong bối cảnh ảm đạm chung của toàn nền kinh tế.

Bà Thanh chia sẻ, có doanh nghiệp vay thế chấp 5 tỷ đồng bằng tài sản giá trị 17 tỷ đồng và chấp nhận lãi suất cao hơn thực tế khoảng 14%/năm, nhưng cũng không được duyệt hồ sơ vay vốn vì nhiều lý do đưa ra từ phía ngân hàng. Cho vay thế chấp còn khó khăn và thử hỏi vay tín chấp thì còn khó tới đâu.

Bà Đào Thị Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quý Nhân cho hay, qua 3 năm diễn ra đại dịch COVID19, số đông doanh nghiệp sống được là may mắn, nếu trường hợp có lãi cũng chỉ là số ít.

Mặc dù quyết định giảm lãi suất cho vay đúng như “giải nhiệt” cơn khát mùa hè cho doanh nghiệp, nhưng thường thì phù hợp với những đơn vị có báo cáo tài chính tốt và doanh nghiệp làm ăn có lãi. Thêm nữa, cũng ưu tiên đối với một số lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như nông nghiệp. Do đó, không thể đánh đồng là toàn bộ doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách tài chính tiền tệ ngân hàng.

Cá biệt cũng có một số đơn vị làm 2 sổ báo cáo. Nội bộ lời chóng mặt, trong khi đó báo cáo tài chính doanh nghiệp thì lỗ cũng chóng mặt nên khi “vác” báo cáo tài chính đi vay, ngân hàng nào cũng từ chối. Qua đó cho thấy, doanh nghiệp nào làm ăn chân chính, tương lai sẽ rộng mở và được hưởng lợi thực chất từ những việc mình làm, bà Oanh cho biết.
Là doanh nghiệp tích cực hoạt động trong cộng đồng kết nối kinh doanh toàn cầu, ông Trần Công Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông ViBest đánh giá cao nỗ lực điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, với việc 3 lần giảm lãi suất cho vay liên tiếp trong vòng chưa đầy 3 tháng trở lại đây, đem lại rất nhiều hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Thực tế thì nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang thấp khi các chuyên gia nghiên cứu dự báo hoạt động sản xuất thương mại của cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng trong các tháng gần đây đã nhanh chóng hạ nhiệt với mức giảm tùy từng kỳ hạn và mức điều chỉnh của các ngân hàng, song đòi hỏi phải có độ trễ nhất định để chính sách tích cực này nhanh chóng thẩm thấu vào đời sống của số đông doanh nghiệp.

Việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay so với lãi suất huy động là động thái tích cực và cần được duy trì. Điều này có thể mang tới kỳ vọng về khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được cải thiện, đặc biệt vào các tháng cuối năm. Hy vọng rằng, cùng với các biện pháp quyết liệt từ chính sách tài khóa như giảm thuế, tăng lương, tích cực tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công cũng như ngành ngân hàng thể hiện quyết tâm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng bằng cả chính sách lẫn hành động, ông Công Thành nhấn mạnh./.

Nguồn tin theo: Bnews
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.