Khách quan, công tâm trong đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh (PCI) của tỉnh Hòa Bình

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ, thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố. PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, gồm: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và tính thiết chế pháp lý. Hàng năm, chỉ số này được VCCI công bố dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp dân doanh.

Toàn cảnh hội nghị phân tích chỉ số PCI 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI tỉnh Hòa Bình năm 2022

Hàng năm, VCCI tiếp cận khoảng 13.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước trên toàn quốc tham gia khảo sát PCI. Do vậy, đây là khảo sát doanh nghiệp lớn nhất thể hiện cho tiếng nói của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh địa phương và chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam. Phần khảo sát khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) cũng nhận được phản hồi từ 2.000 doanh nghiệp nước ngoài, đại diện cho một số lượng đáng kể doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Thông qua khảo sát PCI, các khó khăn, thách thức của doanh nghiệp đã được VCCI tập hợp và phản ánh kịp thời tới các cơ quan chính quyền các cấp để có giải pháp kịp thời tháo gỡ. Những kết quả thu được từ khảo sát PCI hàng năm, chính quyền các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều chương trình cải cách để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc công bố chỉ số PCI hàng năm đã thúc đẩy số lượng cải cách chưa từng có ở cấp địa phương, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh tổng thể của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Năm 2014, Thủ tướng đã đưa chỉ số PCI là một mục tiêu nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh quốc gia trong Nghị quyết 19, theo đó yêu cầu các bộ ngành của Việt Nam liên tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kể từ năm 2019, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh đã đưa chỉ số PCI như là một mục tiêu trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị phân tích chỉ số PCI 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI tỉnh Hòa Bình năm 2022

Vừa qua, VCCI đã tiến hành gửi phiếu khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 đến các doanh nghiệp của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước để các doanh nghiệp đánh giá về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và công tác hỗ trợ của chính quyền tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đang hoạt động.

PCI là một nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện chính sách của địa phương đối với khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu dựa trên những cảm nhận của chính các doanh nghiệp được điều tra. Đối tượng tham gia khảo sát là các doanh nghiệp ngoài nhà nước với 3 loại hình: Công ty cổ phần, công ty TNHH và Doanh nghiệp tư nhân được lựa chọn ngẫu nhiên dựa trên 3 tiêu chí, gồm tuổi doanh nghiệp, loại hình kinh doanh và ngành nghề kinh doanh

Chỉ số PCI không chỉ nhằm xếp hạng các tỉnh, thành phố mà còn để tìm ra nguyên nhân tại sao trên cùng một quốc gia, một số tỉnh lại vượt trội hơn những tỉnh và thành phố khác về tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển năng động của khu vực kinh tế tư nhân. Qua đó, giúp hệ thống chính trị, chính quyền nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của mình trong công tác điều hành kinh tế, tạo áp lực thúc đẩy cải cách; chỉ ra những sáng kiến, chính sách tốt của các tỉnh, thành phố để tham khảo, học hỏi; tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; xem xét, đánh giá chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, công tác cải cách hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm xây dựng nền công vụ và đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của PCI, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hãy tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao để đánh giá thực sự khách quan, công tâm đối với môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Bằng việc tham gia cuộc khảo sát, mỗi doanh nghiệp sẽ góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho chính mình và đóng góp vào sự phát triển của cả cộng đồng doanh nghiệp.

Đức Phượng – HHDN Hòa Bình

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.