Hòa Bình: Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu khai thông điểm nghẽn để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đầu tư và sản xuất – kinh doanh

Quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ rào cản trong thu hút đầu tư (THĐT), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (CTMTĐTKD) thông thoáng, minh bạch, thân thiện, trong đó đặc biệt quan tâm khắc phục hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC); coi trọng xây dựng bộ máy chính quyền phục vụ, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp (DN) và vì sự phát triển của tỉnh. Đó là phương châm hành động đã, đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Bình tập trung chỉ đạo thực hiện để Hòa Bình trở thành điểm đến sôi động, tin cậy của các nhà đầu tư (NĐT).

Hòa Bình: Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu khai thông điểm nghẽn để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đầu tư và sản xuất - kinh doanh
Ảnh minh họa.

Minh chứng thuyết phục là trong quý I/2022, tăng trưởng kinh tế của tiếp tục được duy trì; thu NSNN ước đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng khoảng 59%; thu hút được 17 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 6.100 tỷ đồng, tăng gấp 8,5 lần về số dự án và khoảng 141 lần số vốn đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 518 tỷ đồng, bằng 14% kế hoạch vốn được giao tăng 2%. Lưu thông hàng hóa, dịch vụ có mức tăng trưởng khá; hoạt động du lịch có dấu hiệu phục hồi; công tác QLNN về đầu tư, xây dựng, giao thông, tài nguyên, môi trường được duy trì; an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả; QP-AN được bảo đảm.

Mục tiêu của tỉnh là từng bước nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đưa tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Thường trực Tỉnh ủy xác định 2022 là năm bản lề, năm tăng tốc để thực hiện. Vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt chỉ đạo, phấn đấu khởi công được nhiều dự án lớn thu hút đầu tư ngoài ngân sách để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển SX-KD. Tuy nhiên, qua tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh cho thấy bên cạnh tính hiệu quả, tích cực của các cơ chế, chính sách, giải pháp đã ban hành, trong quá trình tổ chức thực thi cũng cho thấy vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, đối với Quyết định 1135/QĐ-UBND, ngày 1/6/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã không còn phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật, tạo rào cản cho công tác thu hút đầu tư, cụ thể như: Tại khoản 7, điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định: Trường hợp dự án đầu tư có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị thực hiện dự án đầu tư tại một địa điểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư đầu tiên thì Sở KH&ĐT thực hiện thủ tục sau: Thông báo bằng văn bản cho các nhà đầu tư về việc thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản này trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư đầu tiên. Sở KH&ĐT không xem xét và trả lại hồ sơ của các nhà đầu tư nộp sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư đầu tiên; Thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trên cơ sở để xuất dự án đầu tư của nhà đầu tư đầu tiên. Trường hợp đề xuất dự án đầu tư của nhà đầu tư đầu tiên không đáp ứng thì thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo nguyên tắc xem xét lần lượt đề xuất dự án đầu tư của từng nhà đầu tư tiếp theo. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, căn cứ đề nghị của Sở KH&ĐT, UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư và giao cơ quan tham mưu tổ chức đấu thầu để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong số những nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ. Như vậy đã có quy định của pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư, vì vậy không nhất thiết phải ban hành quy định riêng cho địa phương.

Tại Khoản 2, Điều 26 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định: Mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau: Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức bảo đảm là 3%; Đối với phần vốn trên 300 tỷ đến 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 2%; Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 1%. Như vậy đã có đầy đủ căn cứ pháp lý về ký quỹ, đặt cọc đảm bảo thực hiện dự án, việc quy định thêm sẽ làm khó khăn về tài chính cho nhà đầu tư, lãng phí không cần thiết khi bỏ một khoản vốn lớn vào ngân hàng trong thời điểm hiện nay rất khó khăn đối với các nhà đầu tư.
Về trường hợp không được xem xét lựa chọn nhà đầu tư:Tại khoản 1, Điều 5 của Quyết định 1135: Nhà đầu tư có dự án đầu tư chậm tiến độ sẽ không được xem xét dự án tiếp theo chưa quy định rõ ràng, nhiều dự án chậm tiến độ không phải lỗi của nhà đầu tư, chưa tính đến nguyên nhân khách quan, chậm do cơ chế, chính sách nhà nước, chưa tính đến việc dự án chậm tiến độ có lý do mà đã được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn.

Về tự nguyện đặt cọc một khoản tiền:Theo Luật Đầu tư quy định ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án không quá 3% tổng mức đầu tư dự án. Nhà đầu tư đồng thời phải ký quỹ theo quy định của Luật Đầu tư và phải đáp ứng đặt cọc theo Quyết định 1135 thì rất khó khăn, làm nản lòng nhà đầu tư, làm môi trường đầu tư trở nên kém hấp dẫn.

Từ những nội dung trên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho rằng, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; việc ban hành quy định riêng của địa phương là không phù hợp, tạo thêm rào cản về điều kiện kinh doanh. Để đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đề nghị UBND tỉnh Hoà Bình xem xét bãi bỏ Quyết định 1135/QĐ-UBND, ngày 1/6/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. (hiện nay các tỉnh cũng không có các quy định riêng).

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai, tiến hành đánh giá về tính hiệu quả, khả thi, xác định những vướng mắc, bất cập để kịp thời điều chỉnh, bảo đảm các cơ chế chính sách được thực hiện đầy đủ, đáp ứng mục tiêu đã đề ra. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, qua đó khẩn trương xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật,. Có các giải pháp tháo gỡ tập trung vào những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào NSNN, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, Chú trọng các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế số, kinh tế xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng tốc độ chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực số, nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư công, tập trung cho các dự án lớn, quan trọng, phát triển hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển KT-XH, đặc biệt là các dự án liên vùng.

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.