Hòa Bình: Chú trọng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư

LTS: Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư là 1 trong 4 đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Để làm rõ hơn vấn đề này , ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã giành thời gian trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập về kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua và những định hướng chính trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình kiểm tra tình hình thu hút đầu tư tại huyện Lạc Sơn

      PV: Xin ông đánh giá kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư của tỉnh Hòa     Bình năm 2021?

      Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn: Với mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển năng động, bền vững, xứng tầm là trung tâm của vùng Tây Bắc, có vai trò kết nối và hỗ trợ vùng Thủ đô…thời gian qua, BTV Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, có năng lực cạnh tranh cao; xây dựng “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành Trung ương để tranh thủ sự giúp đỡ về cơ chế, chính sách liên quan tới đầu tư. Tập trung lãnh đạo khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch để làm căn cứ thu hút đầu tư. Thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để thu hút các nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án, tập trung vào các lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái công nghiệp theo quy hoạch, tạo sự tăng tốc và phát triển kinh tế bền vững.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trương đầu tư kinh doanh, công tác thu hút đầu tư vào tỉnh trong năm 2021 có dấu hiệu khởi sắc cả về số dự án và vốn đầu tư. Hòa Bình đã hoàn thành được một số công việc quan trọng như: thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; ban hành Quy định về trình tự, thủ tục đầu tư; ban hành Quy chế giải phóng mặt bằng; hoàn thành bộ chỉ số DDCI; cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính…

Trong 11 tháng năm 2021,  có 50 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 33.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước về số dự án được cấp phép đầu tư tăng 7 dự án, vốn dự án đầu tư tăng khoảng 94,4%; toàn tỉnh có 651 dự án đang hoạt động, trong đó có 39 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 616, 4 triệu USD và 612 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 134.876,2 tỷ đồng. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 102 dự án đầu tư đã được cấp phép, trong đó có 27 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 527,4 triệu USD và 75 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 11.059,5 tỷ đồng.


 Nhìn chung, các dự án đầu tư đã hoàn thành, đi vào hoạt động SX-KD có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, tham gia đóng góp cho ngân sách địa phương và góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

       Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động  trong thu hút đầu tư  của Hòa Bình còn những tồn tại, hạn chế gì cần khắc phục, thưa ông?

Ảnh minh họa

       Bí thư tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn: Mặc dù môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư đã được cải thiện và đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn bộc lộ một số yếu kém, hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó là: số lượng dự án, vốn đầu tư thu hút được đạt thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Thu hút đầu tư chưa định hình được ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh. Dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào địa bàn TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn đã quan tâm tới tỉnh Hòa Bình, nhưng hiện đang ở giai đoạn nghiên cứu, khảo sát và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản kết hợp du lịch. Quy mô các dự án còn nhỏ, năng lực một số Nhà đầu tư hạn chế, kể cả tài chính lẫn khả năng xúc tiến kêu gọi đầu tư. Nhiều dự án chậm hoặc chưa triển khai theo cam kết.

Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, công tác phối hợp giữa các cơ quan còn chưa tốt, lỏng lẻo, trách nhiệm chưa rõ ràng và không cao. Một số cơ quan, đơn vị chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thiếu chủ động, sáng tạo, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm tại một số cơ quan quản lý Nhà nước. Tinh thần, thái độ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ trực tiếp giải quyết các công việc của Doanh  nghiệp, nhà đầu tư còn nhiều hạn chế. Năng lực thẩm định, thẩm tra, đánh giá dự án đầu tư của cơ quan Nhà nước còn hạn chế. Việc giải phóng mặt bằng, chuẩn bị mặt bằng cho các dự án đầu tư chậm tiến độ.

Sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đặc biệt là cơ sở đối với việc hỗ trợ các Nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc diện tự thỏa thuận đất để có mặt bằng thực hiện dự án chưa tích cực. Công tác xây dựng, rà soát, điều chỉnh các loại quy hoạch hiệu quả chưa cao, còn thiếu, chất lượng kém, thiếu tầm nhìn dài hạn, còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch. Đặc biệt, năm 2021, năm đầu của kỳ kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, đang triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tác động của đại dịch Covid -19, ảnh hưởng đến hầu hết các dự án đăng ký đầu tư từ đầu năm 2021 đến nay…

       PV: Hòa Bình sẽ tháo gỡ những “nút thắt” thế nào nhằm cải thiện môi trường, thu hút đầu tư hiệu quả, thưa ông?

Ảnh minh họa

      

 Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn: Bám sát các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII,  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Hòa Bình mà trực tiếp là Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực tỉnh ủy sẽ có các giải pháp cụ thể, quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết trúng các điểm nghẽn đang gây cản trở; thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực của CBCCVC nhằm đáp ứng được yêu cầu thực thi công vụ trong thời kỳ mới.

Khắc phục ngay tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra những hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh; xử lý nghiêm những CBCCVC thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiều trong thực thi công vụ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bước khắc phục thời gian giải quyết các TTHC, giảm bớt văn bản giấy tờ, tổ chức họp khi giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp.

Thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cản trở, ách tắc trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Tiếp tục duy trì hoạt động tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm. Thực hiện nghiêm túc quy chế giải phóng mặt bằng, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, phát huy vai trò của chính quyền các cấp; thực hiện công khai chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, quan tâm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân. Kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư chậm tiến độ nhưng không đủ điều kiện ra hạn, nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện theo quy định pháp luật.

Trong năm 2022, tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh; nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI (đầu tư kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực); áp dụng bộ chỉ số DDCI để đánh giá năng lực của chính quyền cấp huyện và các sở, ngành của tỉnh trên góc độ điều hành và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh và cho hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương. Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid -19. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tăng cường và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên; quan tâm công tác thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư khác đến nghiên cứu đầu tư vào tỉnh. Thường xuyên đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp kịp thời giải quyết và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

 

Tỉnh Hòa Bình đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025: cắt giảm tối thiểu 30% về thời gian thực hiện các TTHC liên quan đến hoạt động SX-KD và đầu tư của doanh nghiệp so với quy định của Trung ương; chỉ số PCI và chỉ số PAPI của tỉnh xếp trong tốp 30 của cả nước…Qua đó, giữ chân và thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sản phẩm có tính cạnh tranh, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, có tính lan tỏa cao trong phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời, thu hút, phát triển các dự án đầu tư phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo. Kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để các nhà đầu tư nắm bắt các cơ hội đầu tư, nhìn thấy định hướng rõ ràng của tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình đang phối hợp triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm tạo sức hút thúc đẩy phát triển KT-XH và thu hút đầu tư. Trong đó, đã kiến nghị với Trung ương triển khai thưc hiện dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình mở rộng.

         Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.

Thực hiện: Đức Phượng

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.